Ông Michael Flynn và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải).
Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn của tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chức sau chỉ có 24 ngày tại vị và là thành viên đầu tiên của chính quyền mới còn đang được thành lập ở Mỹ khăn gói ra đi. Kể từ khi cơ quan và chức vị này được dựng nên ở nước Mỹ năm 1953 đến nay, các cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống đều có quyền lực lớn trong chính quyền và ảnh hưởng lớn tới tổng thống về chính sách đối ngoại và an ninh. Rất nhiều người trong số ấy bị tai tiếng và phản đối như ông Flynn, nhưng chưa có ai phải ra đi chóng vánh như ông Flynn.
Sự từ chức của ông Flynn hoàn toàn lô gic bởi người này không còn sự lựa chọn nào khác nếu muốn tránh bị sa thải. Nếu ngoan cố trụ lại, ông Flynn sẽ làm mất uy tín cả phó tổng thống Mike Pence và thậm chí toàn bộ chính quyền của ông Trump.
Cũng chính vì thế mà ông Trump không công khai ủng hộ ông Flynn nữa cho dù trước đó đã làm mọi cách để ông Flynn trở thành cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống. Dù vậy, chuyện này gây tổn hại trước tiên tới chính ông Trump, gia tăng hoài nghi ở Mỹ về tính đúng đắn và thích hợp của những quyết định của ông Trump về nhân sự cho chính quyền mới ở nước Mỹ.
Ông Flynn nổi tiếng và cũng tai tiếng ở nước Mỹ về thái độ thân thiện với Nga và thù ghét Đạo Hồi. Đối với Đảng Cộng hoà, quan điểm của ông Flynn bị nhìn nhận là quá cực đoan trên cả hai phương diện trên nên việc ông Flynn từ chức khiến đảng này hài lòng. Nhưng đối với bộ phận cử tri cánh hữu và cực hữu đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi thì sự ra đi của ông Flynn khiến họ thất vọng.
Hậu quả là họ sẽ gia tăng áp lực đối với ông Trump mà rồi chắc chắn ông Trump phải nhượng bộ. Hậu quả nữa là chính sách của chính quyền mới ở Mỹ đối với Nga càng thêm khó sớm được hoạch định rõ ràng và sự bất đồng quan điểm về quan hệ với Nga trong nội bộ chính quyền của ông Trump còn sâu sắc thêm chứ không phải sẽ nhanh chóng được khắc phục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.