“Tôi thấy thất vọng về báo cáo giám sát”

Thứ bảy, ngày 22/10/2011 06:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Tôi thấy thất vọng về báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đối với báo cáo của Chính phủ về tình hình KT–XH 5 năm qua. Theo tôi, các Ủy ban cần phải rút kinh nghiệm trong vấn đề phản biện, giám sát”.
Bình luận 0
img
BQH Nguyễn Đình Quyền

Trên đây là ý kiến trao đổi với báo giới của ĐBQH Nguyễn Đình Quyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi trong giờ nghỉ của phiên họp tổ chiều 21.10.

Vì sao ông cho rằng tính phản biện đối với báo cáo của Chính phủ chưa cao?

- Trong hoàn cảnh hầu hết các văn bản của Chính phủ đều giao cho các bộ, ngành soạn thảo thì yêu cầu phản biện phải đặt lên cao hơn bao giờ hết đối với các Ủy ban của Quốc hội. Quốc hội nhìn ở tổng thể, còn ở bộ, người ta chỉ nhìn từ góc độ một ngành. Các Ủy ban phải nhìn nhận từ cả góc độ của các bộ ngành khác và cả quyền lợi của người dân để phản biện. Các phản biện vừa rồi chưa làm được điều này.

Theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Nguyên nhân do năng lực, trình độ, bản lĩnh, mối quan hệ.

Ngoài việc phản biện, dường như Quốc hội vẫn chưa làm tốt chức năng giám sát?

- Một trong những điều Quốc hội trăn trở từ trước tới nay chính là hoạt động giám sát. Dù công tác này rất khó, động chạm, đòi hỏi phải có quy trình, có chứng cứ mà bất kỳ cái gì liên quan tới chứng cứ đều khó khăn. Nhưng muốn có chứng cứ thì phải đi cơ sở, không thể ngồi trên mây, trên gió được, phải lắng nghe, phân tích, phản biện.

Ngoài ra, còn phụ thuộc các yếu tố khác, nhưng trong đó quan trọng nhất là năng lực người thực hiện giám sát. Với chức năng của mình, mỗi Ủy ban đều có một phản biện riêng về cùng một vấn đề. Nhưng phải theo đuổi phản biện đó đến cùng, phải giám sát đến cùng xem Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện thế nào.

img
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ.

Theo ông, những vấn đề nổi cộm nào có sự giám sát đến cùng sẽ có kết quả tốt hơn trong thời gian qua, như sự đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế chẳng hạn?

- Tôi thấy mọi thứ chậm chạp quá trong khi tình hình nền kinh tế đang nước sôi lửa bỏng như hiện nay. Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty là vấn đề chúng ta nói quá nhiều từ Quốc hội khóa trước, cho đến nay chưa có động thái của Chính phủ về việc đề nghị Quốc hội xây dựng khung pháp lý với hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh những vấn đề về tập đoàn kinh tế, trong khi các tập đoàn kinh tế đều đang gặp khó khăn...

Ông có đưa ra ý kiến không đồng tình với việc tái cơ cấu kinh tế?

- Tôi không nói thế. Tôi hoàn toàn đồng tình, nhưng để đến lúc này mới tái cơ cấu là muộn quá. Tại sao lại cứ để dồn lại như vậy. Những bất cập đó chúng ta phải xử lý trong từng bước phát triển chứ.

Theo kết quả kiểm toán vừa rồi thì 49.000 doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, trong khi đó nền ngân hàng vẫn phát triển bình thường thì đó mới thực là điều không bình thường.

Ví như ngày xưa tôi làm về Luật Tổ chức tín dụng, chính sách tiền tệ lúc đó thắt chặt, việc một tổ chức tín dụng ra đời rất khó. Sau đó ta mở tung ra, cho phát triển tín dụng tràn lan.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng rất nhạy cảm, là máu của nền kinh tế, cho nên khi mở tung ra như vậy phải có những thiết chế quản lý chặt chẽ.

Nhưng rất tiếc lại không có, đến khi các tổ chức tín dụng mọc ra như nấm trong khi nền kinh tế lại chưa tương xứng, để xảy ra tình trạng bất cập là tín dụng đen, lừa đảo, đổ vỡ...

Tôi cũng đã đề cập tới chuyện phải hạn chế lãi suất trần cho vay của các tổ chức tín dụng từ cách đây 1 năm rồi, nhưng mãi bây giờ mới thấy động thái của Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem