Tôn vinh “suông” nghệ nhân

Quang Hưng Thứ hai, ngày 04/05/2015 08:05 AM (GMT+7)
Trước, trong và có lẽ sau khi xét, chọn, trao danh hiệu nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể, điều kiện làm việc, phương tiện hành nghề, mối quan tâm giúp đỡ đối với các nghệ nhân vẫn thiếu hụt. Vậy nên việc tôn vinh các nghệ nhân đừng chỉ dừng ở hình thức.
Bình luận 0

Quan trọng hơn cả danh hiệu

Việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân không còn mới, dù đến thời điểm tháng 5 này, các cơ quan chức năng vẫn chưa đi xong chặng đường phong tặng nghệ nhân ưu tú (NNƯT) đầu tiên. Danh sách ứng viên cho danh hiệu này sau vòng cấp tỉnh thành, hiện đang dừng ở vòng cấp bộ để lấy ý kiến nhân dân trước khi trình lên hội đồng cấp nhà nước. Được biết, sau khi cấp này làm việc và tiếp tục trưng cầu toàn dân, quyết định xét chọn mới chính thức được đưa ra, sau đó mới tổ chức trao tặng danh hiệu.

img
Nghệ nhân, diễn viên rối đầu gỗ - Nam Định biểu diễn trong một hội thảo “báo động” về di sản. Q.H

Tuy nhiên kể cả đến lúc trao tặng danh hiệu xong thì chúng ta vẫn có thể thấy còn rất nhiều hạn chế, bất cập của việc tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân. Không cần nhắc đến những khoản tặng thưởng và chế độ đãi ngộ còn quá eo hẹp mà dư luận đã phàn nàn nhiều, nhìn vào khía cạnh điều kiện vật chất, phương tiện hành nghề, điều kiện phát huy giá trị nghề nghiệp của nghệ nhân, đã có thể nhận ra sự thiếu thốn, chưa được quan tâm đúng mức.

Phần lớn các nghệ nhân đều sinh sống, hành nghề ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; ở thành thị có số lượng ít hơn. Nhưng cho dù họ sống ở đâu thì họ cũng thường phải tự túc trong việc mua sắm, sửa chữa phương tiện làm việc, khai thác tài liệu, tổ chức trình diễn.

Trên thực tế cũng có một số đầu mối hỗ trợ, kết nối cho họ trình diễn, quảng bá di sản, nghệ thuật nhưng vẫn hầu như mang tính cá nhân, nhỏ lẻ hay hoạt động riêng của một số cơ quan, đơn vị chứ chưa thành chương trình, kế hoạch của ngành văn hóa.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Dậu – phường rối Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã từng chờ đợi, trăn trở rất nhiều khi tôi còn giữ được một bản tư liệu Hán Nôm, được cho là ghi lại nhiều nội dung tích trò với lời các nhân vật rối của riêng Chàng Sơn, nhưng không được tạo điều kiện để những người có chuyên môn dịch ra chữ quốc ngữ nhằm sử dụng cho việc biểu diễn của phường”.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long – Phó ban Biên tập NXB Âm nhạc đã từng có nhiều chuyến cùng đồng nghiệp điền dã về hát xẩm ở các tỉnh Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội. Ông cho biết: “Có những nghệ nhân hát xẩm trước đây đã từng nhiều năm theo nghề nhưng nay hầu như ít được chú ý và cũng không còn cơ hội được biểu diễn. Đơn giản là bởi họ chìm khuất trong dân chúng và cũng không có nhiều cán bộ văn hóa tâm huyết đi tìm ra họ để giúp đỡ, tạo điều kiện để các nghệ nhân được phát huy tài năng”.

Đừng nệ danh quên thực

Bên cạnh danh hiệu mà nhiều người cho rằng cần thiết với các nghệ nhân, thì chế độ đãi ngộ xứng đáng và cùng với đó là sự hỗ trợ, tạo điều kiện để nghệ nhân hành nghề, phát huy giá trị di sản, còn quan trọng và ý nghĩa hơn. Không nên chờ hay lệ thuộc vào danh hiệu, mà ngành văn hóa và các địa phương nên phối hợp xây dựng chương trình tài trợ, cung cấp cho các nghệ nhân phương tiện làm việc. Nghệ nhân nghệ thuật truyền thống nên được tặng nhạc cụ, nguyên vật liệu làm việc, dụng cụ chế tác; nghệ nhân sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, lễ hội được tặng máy ảnh, máy ghi âm...

Các nghệ nhân cần được tổ chức ghi hình, ghi âm để lưu lại hoạt động trình diễn, truyền nghề và những kỹ năng, tinh hoa nghề nghiệp. Tiến xa hơn, nghệ nhân có thể được hỗ trợ xây dựng ấn phẩm băng, đĩa nghệ thuật truyền thống, được in sách các công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị của mình kèm theo những khoản thù lao, nhuận bút tương xứng…

Và có lẽ cũng không quá khó để ngành văn hóa, giáo dục mỗi tỉnh thành có kế hoạch tổ chức cho nghệ nhân truyền nghề, giới thiệu hay trình diễn di sản tại các trường đại học, trường phổ thông, các trung tâm văn hóa…

Đó đều là những việc làm thiết thực, nâng đỡ cho các nghệ nhân trên hành trình văn hóa có thể nói là gần như đơn độc của họ về mặt chế độ chính sách. Bởi so sánh một chút, sẽ thấy, các nghệ sĩ chuyên nghiệp, các nhà nghiên cứu làm công việc của mình, được hưởng lương, công tác phí, thù lao, có cơ sở vật chất để làm việc, có các cơ hội để xét tặng thưởng cho việc biểu diễn hay công trình khoa học. Còn các nghệ nhân thì lưu giữ, truyền dạy, trình diễn, đóng góp không nhỏ vào đời sống văn hóa văn nghệ và công cuộc bảo tồn nhưng đã có ai trả lương hay cung cấp các điều kiện làm việc cho họ?

 Hiện trên trang tin điện tử và cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL đang giới thiệu danh sách 736 ứng viên NNƯT về di sản phi vật thể trong cả nước ở các lĩnh vực: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Việc giới thiệu này rất sơ sài, hời hợt, chỉ có tên người, tên địa phương cấp tỉnh và lĩnh vực di sản đang nắm giữ một cách quá khái quát. Không có địa chỉ, thời gian thực hành di sản và chỉ dẫn về di sản một cách cụ thể hơn.   


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem