Ngày 23.10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước (ảnh T.T).
Được biết người được giao phụ trách công việc xây dựng phòng truyền thống này là GS.TSKH Vũ Minh Giang, PV đã tìm đến ông để tìm hiểu do đâu mà phòng truyền thống có được những hiện vật quý ấy. Câu chuyện GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ với PV đặc biệt lý thú và ấn tượng.
GS Vũ Minh Giang kể: Năm 2012 tôi được phân công phụ trách xây dựng Phòng truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo đề cương trưng bày, một trong những nội dung cần được thể hiện là những cựu sinh viên có những đóng góp lớn với đất nước trên mọi phương diện. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là niềm tự hào của Đại học Quốc gia Hà Nội chắc chắn phải có vị trí đặc biệt trong Phòng truyền thống này. Do có quan hệ từ thời còn là ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi đã gọi điện đặt vấn đề xin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một số hiện vật. Tôi thật bất ngờ khi được Tổng Bí thư nhiệt tình tạo điều kiện, nhưng thật ấn tượng khi ông nói "quãng đời đẹp nhất là thời sinh viên, mình có một số tấm ảnh về thời kỳ đó, đã giữ gìn mấy chục năm nay giờ tặng cho Phòng truyền thống".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (người đứng thứ hai từ trái sang, chụp tháng 2.1965 ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội - ảnh phóng viên chụp lại từ Phòng Truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội).
Sau đó, Tổng Bí thư gửi cho chúng tôi một phong bì to, đóng cẩn thận. Tôi mở ra và rất xúc động khi thấy những tấm ảnh của ông thời còn là sinh viên, trong đó có bức chụp từ năm 1965. Cùng với những tấm ảnh, ông còn tặng Phòng truyền thống bản luận văn tốt nghiệp đại học do GS Đinh Gia Khánh hướng dẫn.
Dịp Đại học Quốc gia Hà Nội kỷ niệm 20 năm ngày Chính phủ ra Nghị định về Đại học Quốc gia, Tổng Bí thư đã về dự và đến thăm phòng truyền thống. Ông rất vui khi thấy những hình ảnh và kỷ vật thời sinh viên của mình được bày trang trọng tại đó.
Bức ảnh được treo trong Phòng Truyền thống có chú thích thêm ngoại ngữ.
GS Vũ Minh Giang hướng dẫn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Phòng truyền thống dịp 2013. Nằm ở vị trí trung tâm tủ kính là luận văn tốt nghiệp của ông. Bên phải là tập thơ của nhà thơ liệt sỹ Lê Anh Xuân, cũng là một cựu sinh viên Khoa Sử trường đại học Tổng hợp Hà Nội (ảnh Đại học Quốc gia Hà Nội).
Luận văn tốt nghiệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thời sinh viên (ảnh PV).
Nói về tình cảm của Tổng Bí thư với nhà trường và với các thầy giáo cũ, GS. TSKH Vũ Minh Giang còn kể rằng vào dịp trước Tết Tân Mão (năm 2011), sau khi nghe tin ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư khóa XI, lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội muốn đến chúc mừng tân Tổng Bí thư, ông đã nhẹ nhàng nhưng kiên quyết từ chối rằng ông sẽ không tiếp bất cứ đoàn chúc Tết nào.
Nhưng thật bất ngờ khi chúng tôi đặt vấn đề đây không phải là đoàn chúc Tết của lãnh đạo Đại học Quốc gia mà là một cuộc gặp gỡ thân mật, sum vầy thầy trò thì ông lại vui vẻ nhận lời. Và thế là với túi quà là những cuốn sách, đoàn của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm cả các thầy giáo cũ đã có dịp diện kiến tân Tổng Bí thư ngay sau Đại hội. Cuộc gặp gỡ diễn ra giản dị, đậm tình thầy trò, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không câu nệ gì. Cuộc gặp mặt thân tình đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về một vị Tổng Bí thư rất nhân văn, trọng tình nghĩa và hết sức gần gũi, giản dị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng bức tranh cho Đại học Quốc gia Hà Nội dịp về thăm trường năm 2013 (ảnh Đại học Quốc gia Hà Nội).
Có một câu chuyện vui nữa là vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (1993 -2013), Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội lúc đó đang chưa biết xử trí thế nào cho thỏa đáng về việc trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ĐHQG do thời gian rất eo hẹp mà số lượng người nhận rất đông. Tôi nảy ra ý tưởng đề nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi ấy đã có kế hoạch về dự lễ) thay mặt tất cả mọi người lên nhận kỷ niệm chương. Và trong sự ngỡ ngàng của mọi người, ông đã vui vẻ nhận lời. Ở cương vị rất cao nhưng Tổng Bí thư là người như thế, rất đôn hậu và vô cùng gần gũi, thân thiết với mọi người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.