Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - chia sẻ với NTNN/Dân Việt sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức ra mắt Đại hội XII và nhân dân.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc.
Là người nghiên cứu Lịch sử Đảng, ông thấy trong nhiệm kỳ khóa XI, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã để lại những kinh nghiệm quý báu gì cho khóa XII, thưa ông?
- Tôi nghiên cứu tất cả các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng, thấy tại nhiệm kỳ khóa XI có để lại dấu ấn. Có thể thấy ở nhiệm kỳ này có đầy sự khó khăn, phức tạp. Ở trong nước chúng ta phải chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, bên cạnh đó một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa, hư hỏng như Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lần thứ 4 khóa XI đã nêu. Ở bên ngoài thì căng thẳng Biển Đông.
“Chống tham nhũng là một công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, không thể vội, nhưng cũng không thể để chậm trễ. Đường đi nước bước phải tính toán để xử lý hàng loạt các mối quan hệ, làm sao hiệu quả nhất. Cái đích của chúng ta không phải chuyện xử lý được bao nhiêu người, kỷ luật, bỏ tù bao nhiêu người. Mà cái đích của ta là làm cho Đảng trong sạch, đi vào kỷ cương, kỷ luật”. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc |
Từ tháng 5.2011, vấn đề Biển Đông đã phức tạp, nhưng đỉnh điểm là tháng giữa năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta, mới đây họ lại xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Làm thế nào để giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước trong hoàn cảnh như vậy là hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư của khóa XI đã điều hành, theo tôi rất bản bài, có bản lĩnh, ứng xử các mối quan hệ trong và ngoài nước hài hòa. Đó cũng là thể hiện sự trưởng thành của Đảng trong việc lãnh đạo đất nước.
Ở nhiệm kỳ khóa XI, chúng ta không chỉ hội nhập thành công về kinh tế, mà còn hội nhập chính trị thành công. Việt Nam đã nâng đối tác chiến lược lên tới 15 nước, rồi quan hệ với các cường quốc, các nước thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng được xử lý hài hòa. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có mối quan hệ với 228 đảng chính trị trên thế giới, kể cả với những đảng cầm quyền nhưng không phải là Đảng Cộng sản.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII vừa qua, chúng ta đã nhận được hơn 200 điện mừng của các đảng chính trị và các tổ chức hữu nghị trên thế giới, việc này trước đây không có. Điều đó chứng tỏ dù trên thế giới có những xu hướng chính trị khác nhau, nhưng họ vẫn ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đã từng làm việc với Tổng Bí thư một thời gian dài, ông thấy có ấn tượng gì về ông Nguyễn Phú Trọng?
- Tôi quen biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hơn 20 năm. Tôi thấy ông là người có tầm trí tuệ, được đào tạo bài bản, hiện có học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ. Bên cạnh đó, ông được kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, từ công việc làm công tác lý luận đến Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư khóa XI. Ông thể hiện được trình độ lý luận, đồng thời nắm bắt thực tiễn, đó là cái gốc rất quý, không phải đồng chí lãnh đạo nào cũng hội tụ được cả lý luận và thực tiễn như vậy.
Về mặt đạo đức, cả cuộc sống riêng của ông và gia đình đều không có điều tiếng gì, nhân dân cũng tin cậy. Theo tôi, ông là người gương mẫu, có uy tín chính trị trong Đảng, trong nhân dân và cả trong ứng xử quốc tế.
Ông là người khiêm nhường, gần gũi đồng chí, đồng nghiệp, nhân dân, sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe. Tôi cũng nhận thấy Tổng Bí thư là người có bản lĩnh, quyết đoán, nắm vững nguyên tắc, đủ độ mềm dẻo cần thiết để xử lý các mối quan hệ, kể cả quan hệ trong Đảng, nội bộ đất nước và ứng xử quốc tế.
Đặc biệt, Tổng Bí thư có khả năng tạo ra sự đoàn kết, quy tụ, cái đó đối với người lãnh đạo cao nhất cực kỳ cần thiết. Được tái cử Tổng Bí thư ở nhiệm kỳ khóa XII này, tôi mong ông tiếp tục phát huy những cái đó.
Ở nhiệm kỳ khóa XI, Tổng Bí thư còn giữ trọng trách Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, nếu tiếp tục ở nhiệm kỳ này đây cũng là công việc phức tạp, khó khăn thưa ông?
- Ở nhiệm kỳ khóa XI đã chuyển Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng từ bên Chính phủ sang bên Đảng và Tổng Bí thư là Trưởng ban. Tôi thấy việc phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua có hiệu quả rõ rệt, những vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đã được quyết tâm xử lý. Trong quyết tâm đó có sự tính toán đi dần từng bước, không gỡ tung một lúc, có khi rối không hiệu quả.
Như Tổng Bí thư chỉ đạo là đi dần từng bước, cái gì làm trước, cái gì làm sau, tính toàn từng vụ. Trước khi diễn ra Đại hội lần thứ XII, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo đưa 8 vụ án kinh tế, tham nhũng lớn ra xét xử trước khi diễn Đại hội.
Chống tham nhũng là một công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, không thể vội nhưng cũng không thể để chậm trễ. Đường đi nước bước phải tính toán để xử lý hàng loạt các mối quan hệ, làm sao hiệu quả nhất. Cái đích của chúng ta không phải chuyện xử lý được bao nhiêu người, kỷ luật, bỏ tù bao nhiêu người. Mà cái đích của ta là làm cho Đảng trong sạch, đi vào kỷ cương, kỷ luật. Ở trên diện rộng chúng ta xử lý điểm, để gây ảnh hưởng trên diện rộng. Cái đó mới là quan trọng, cái đó cần phải làm bài bản.
Tôi thấy, với tư cách là người đứng đầu Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư đã xử lý rất "chắc tay" và có hiệu quả bước đầu. Còn phòng, chống tham nhũng là công việc cả một quá trình. Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII sẽ tiếp tục công việc đó với quyết tâm chính trị cao cùng giải pháp hữu hiệu, để mang lại kết quả cao hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.