Tiến cùng thời đại

Lê Thọ Bình Thứ hai, ngày 15/02/2016 14:00 PM (GMT+7)
Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã có sự đổi mới lớn về tư duy phát triển kinh tế: Nhìn nhận lại 30 năm đổi mới đất nước; xác định Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới và đưa ra những bước đi cụ thể để Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách phát triển và sánh ngang với các nước phát triển trong một tương lai không xa.
Bình luận 0

Dấu ấn đổi mới

Văn kiện trình Ðại hội XII chỉ rõ: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ðồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”.

img

Nhìn lại cả chặng đường 30 năm đổi mới, có thể nói thành tựu phát triển kinh tế của nước ta là hết sức ấn tượng. Tính chung cho giai đoạn 1990-2010, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt bình quân 7,3% (theo báo cáo của IMF năm 2011), chỉ thấp hơn mức tăng trưởng của Trung Quốc. Tốc độ  tăng trưởng GDP trung  bình  hàng  năm  giai  đoạn  1986-1990  là  4,4%;  giai  đoạn  1991-1995  là  8,2%;  giai đoạn 1997-1999 là 7%; giai đoạn 2000-2005 là 7,51%; giai đoạn 2006-2010 là 6,7%; và giai đoạn 2011-2015 là 5,67%. Với tốc độ tăng trưởng này, từ nước có thu nhập bình quân đầu người rất thấp, Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình trên thế giới năm 2010 (với bình quân GDP theo đầu người đạt trên 1.000 USD).

Chính sách mở cửa hội nhập quốc tế cũng đạt được những thành tích rất đáng tự hào: Trước Ðổi mới, Việt Nam đã có quan hệ ngoại thương với thế  giới, nhưng chủ  yếu là với khối XHCN. Năm 1986, chúng ta bắt đầu  mở  cửa  ra với cả  thế  giới. Luật Ðầu tư nước ngoài năm 1987 khơi nguồn cho dòng vốn đầu tư và thương mại quốc tế. Năm 1993, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với 3 định chế tài chính quốc tế lớn là WB, IMF và ADB. Năm 1994,  Việt Nam thoát khỏi cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Hoa Kỳ. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN. Năm 1997,  Việt  Nam  tham  gia  APEC. Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (ký tháng 7.2000, có hiệu lực từ tháng 12.2001) là bước tiến tiếp theo trong tiến trình hội nhập. Năm 2007, nền kinh tế  tiến một bước lớn trong tiến trình hội  nhập quốc tế khi gia nhập WTO. Cuối năm 2014, Việt Nam hoàn thành đàm phán Hiệp định thương mại tự  do với Hàn  Quốc, với  Liên  minh Hải  quan  Nga-Belarusia-Kazakhstan. Năm  2015, Việt Nam kết thúc đàm phán TPP và Hiệp định thương mại tự do với EU.

Xây dựng 4 trụ cột kinh tế

Mặc dù đánh giá cao những thành tựu kinh tế mà chúng ta đã đạt được, nhưng Văn kiện Ðại hội Ðảng XII cũng nêu rõ: “Kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững. Trong 10 năm gần đây, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, phục hồi chậm. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp”.

Từ nhận định này, TS Trần Ðình Thiên - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn đang bị các nước phát triển hơn, đặc biệt là Trung Quốc bỏ lại phía sau và ngày càng nới rộng khoảng cách. Việt Nam cũng đang bị bỏ lại phía sau các bảng xếp hạng toàn cầu trong phần lớn các tiêu chí phát triển.

“Cần tăng tốc để trở thành nền kinh tế tri thức, tiếp cận nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao, chuyển từ tiếp thu tri thức nước ngoài để nâng cao năng lực công nghệ trong nước sang phát triển công nghệ sáng tạo của Việt Nam cạnh tranh trên thị trường thế giới”.

TS Lưu Bích Hồ

Mặc dù thu nhập quốc gia chúng ta đứng hàng 57/193, nhưng Việt Nam lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người. Về chỉ  số  chất lượng sống Việt Nam có điểm là 22.58, đứng hàng 72/76. Về giáo dục, theo chỉ số Human Development, Việt Nam hiện đứng thứ 121/187.  Trong khi đó, theo chỉ  số  tham  nhũng mới  nhất  của Tổ  chức  Transparency International, Việt  Nam đứng  hàng 116/177 có nghĩa là  thuộc nhóm 1/4  quốc gia cuối bảng.

Văn kiện Ðại hội XII của Ðảng chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước, tạo động lực mới cho sự phát triển”.

Ðể thực hiện được mục tiêu quan trọng này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Ðình Thiên lý giải: “Sự  phát triển của kinh tế  tư nhân đặt trong nền tảng nền kinh tế  với giáo dục kỹ năng chuyên sâu, chất lượng thể  chế, cơ sở  vật chất hạ  tầng vượt trội và môi trường kinh tế  vĩ mô ổn định nên được coi là quan  điểm phát triển trong  bối cảnh Việt Nam đang cam kết tham gia những cuộc chơi hội nhập đẳng cấp cao”.

Trong khi đó, TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ KHÐT) lại đưa ra một lộ trình rất cụ thể. Lộ trình được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 2016-2025, khởi động, xây dựng 4 trụ cột  của kinh tế  tri thức; hội nhập có hiệu quả  vào kinh tế tri thức toàn cầu hóa; tiếp thu  làm chủ công nghệ từ ngoài; phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ  cao và đổi mới mạnh các ngành công nghiệp truyền thống; đẩy nhanh tái cơ cấu và hiện đại hóa nông nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ chất lượng cao; phát triển các  trung tâm outsourcing; nâng cao năng lực R&D và Ðổi mới sáng tạo để cuối kỳ có thể bắt đầu chuyển sang phát triển bằng năng lực công nghệ sáng tạo từ trong nước.

Các giải pháp chính, theo TS Lưu Bích Hồ, trước hết là đổi mới  tư duy, nhận thức, coi kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo là con đường, phương thức, động lực phát triển chủ  yếu;  đổi mới thể chế, tạo khung khổ  cần thiết cho phát triển kinh tế  tri thức, hoàn thiện môi trường kinh doanh, phát triển khu vực tư nhân và thúc đẩy hợp tác công - tư; mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng giai đoạn mới; tạo mọi điều kiện đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn hiện đại…

Khái quát lại, con đường và mô hình phát triển của nước ta trong 30-40 năm tới, theo nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, là “Hiện đại hóa, tiến cùng thời đại trên nền tảng kinh tế thị trường đầy đủ hiện đại và hội nhập quốc tế  giai đoạn mới; thực hành dân chủ  đích thực rộng rãi; phát triển kinh tế  tri thức mà trung tâm là hệ thống Ðổi mới sáng tạo; thực hiện mục tiêu “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”.  Ðó cũng là một bước tiến lớn trên con đường đi tới xã hội tương lai - Chủ nghĩa xã hội theo quan niệm mới”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem