Biến chủng Omicron, Tổng cục Du lịch nói gì trong việc có hạn chế khách quốc tế đến Việt Nam
Tổng cục Du lịch nói về biến chủng Omicron trong việc Thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam
Huy Hoàng
Thứ ba, ngày 30/11/2021 16:38 PM (GMT+7)
Theo đó tại diễn đàn Du lịch mở "Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam" được diễn ra vào sáng ngày 30/11 ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết, Tổng cục Du lịch cũng đang bám sát tình hình dịch trên thế giới, đặc biệt là biến chủng Omicron để điều chỉnh cho phù hợp.
Tổng cục Du lịch cũng đang bám sát tình hình dịch trên thế giới, đặc biệt biến chủng Omicron
Diễn đàn Du lịch mở "Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam" được diễn ra vào sáng ngày 30/11 do Tổng cục Du lịch kết hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức.
Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình chỉ ra những yếu tố mới trong trạng thái bình thường mới trong ngành du lịch như yếu tố an toàn cả cho khách nội địa, khách quốc tế, điểm đến và doanh nghiệp và dịch vụ du lịch; Bảo vệ môi trường trở thành các quy định bắt buộc trong nhiều hoạt động du lịch; Một số quy định mới khách cần thực hiện trước và trong khi tham gia hoạt động du lịch (khai báo y tế, khai báo di chuyển, xét nghiệm y tế, phiếu tiêm vắc –xin, v.v...)
Bên cạnh đó là sẽ tiếp tục thay đổi, đổi mới công tác xúc tiến du lịch; Đổi mới công tác xây dựng sản phẩm du lịch; Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.
Cũng tại diễn đàn Du lịch mở "Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam" TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch đã đưa những khuyến nghị chính sách, giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Anh nêu vấn đề cần có giải pháp trước mắt: Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch để nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch. Kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm giá điện, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiếp tục kéo dài chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp đến hết năm 2023.
Hỗ trợ bằng tiền mặt người lao động trong lĩnh vực du lịch tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ đào tạo, đào tại lại, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch để phục hồi sau đại dịch Covid-19; Phát triển sản phẩm du lịch mới đảm bảo an toàn đối với dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường trong và sau đại dịch; Tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch mạnh mẽ tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng mới của thị trường; Ưu tiên thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, lao động tại các trung tâm du lịch, từng bước nhân rộng cả nước…
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, từ thực tế của ngành du lịch và trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, đặc biệt trong mấy ngày qua biến chủng Omicron đang lây lan và diễn biến phức tạp tại Nam Phi, và mức độ nghiêm trọng hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong đó nhiều quốc gia đã e ngại và đã có bước thực hiện thắt chặt về kiểm soát sự lây nhiễm trong các hoạt động du lịch quốc tế. Điều này khiến chúng ta phải nghĩ đến việc ứng phó, có chiến lược như thế nào trong bối cảnh hiện nay.
Cũng về vấn đề biến chủng Omicron, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, hiện nay Bộ VHTTDL, Tổng cục du lịch đang triển khai giai đoạn 1 thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với 5 địa phương bao gồm: Đà Nẵng; Quảng Nam; Phú Quốc; Khánh Hòa; Quảng Ninh. 5 địa phương này được phép đón khách du lịch quốc tế theo hình thức tour trọn gói đến các địa điểm đã được kiểm soát.
Giai đoạn 2 sẽ mở rộng thị trường khách quốc tế thông qua các kết nối các điểm đến bằng chuyến bay thường lệ và thuê chuyến. Nếu như giai đoạn này thành công, Bộ VHTTDL sẽ sớm thu hẹp các lộ trình để triển khai các giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên hiện nay Tổng cục Du lịch cũng đang bám sát tình hình dịch trên thế giới, đặc biệt là biến chủng mới Omicron để điều chỉnh cho phù hợp, theo chỉ đạo chung của Chính Phủ, Bộ Y tế.
Du lịch an toàn cần phải có ý thức của những người làm du lịch, người xây dựng chính sách du lịch
Bên cạnh những tham luận của các cơ quan quản lý nhà nước thì các doanh nghiệp du lịch cũng đã trình bày tham luận của mình đưa ra những vướng mắc, khó khăn đề xuất khôi phục và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới này.
Theo đó, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours thì chia sẻ, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương sẽ căn cứ vào đặc thù, hoàn cảnh riêng của mình, thị trường mục tiêu để tìm cho mình một con đường phù hợp trong từng giai đoạn. Song theo quan điểm cá nhân, hoạt động kinh doanh trong điều kiện bình thường mới nên lưu ý Tuân thủ và đề cao yếu tố an toàn; Tạo sự linh hoạt trong cung ứng và tổ chức dịch vụ như xây dựng sản phẩm cần phải tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt.
Chủ động của khách hàng trong việc tạo sản phẩm của mình. Đồng thời cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự kinh doanh của Doanh nghiệp Du lịch cần thay đổi, theo ông Nguyễn Công Hoan, thời gian tới, các chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, lịch sử, y tế môi trường, nhân chủng học, tâm lý kỹ năng sống …sẽ có sự hợp tác rất chặt chẽ với những người làm du lịch. Tính sáng tạo, giá trị chuyên môn sẽ được đề cao hơn các yếu tố về giá cả.
Giảm các khâu trung gian và tập trung vào dịch vụ đầu – cuối trong quy trình cung cấp sản phẩm Du lịch. Nếu như trước đây, vai trò của lữ hành phần lớn là trung gian, qua nhiều khâu, nhiều cấp thì với xu hướng cá biệt hóa sản phẩm tới từng nhóm đối tượng khách hàng, với xu hướng ứng dụng công nghệ thì du lịch sẽ tập trung vào hai công đoạn đầu – cuối: Tương tác trực tiếp với khách hàng để nắm bắt, tiếp nhận nhu cầu; Trực tiếp cung ứng, tổ chức dịch vụ tại điểm đến D.M.C…
Đặc biệt, ông Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh về công nghệ số sẽ được áp dụng rộng rãi hơn và có phần quan trọng quyết định thành công của Doanh nghiệp cung ứng và tổ chức thực hiện dịch vụ.
Bên cạnh những giải pháp, khó khăn được các doanh nghiệp đưa ra thì những sản phẩm cũng được trình bày tại diễn đàn lần này. Theo đó, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist đã có những phân tích về sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhu cầu của khách du lịch; Những loại hình sản phẩm du lịch quan trọng đảm bảo an toàn trong bối cảnh mới.
Cụ thể về du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có du lịch biển; Du lịch vùng núi và cao nguyên. Ngoài ra là du lịch tại khu vực có tài nguyên tự nhiên khác như du lịch nông thôn; du lịch cộng đồng; du lịch mạo hiểm; Chuyển đổi số và sản phẩm du lịch…
Kết thúc diễn đàn là phần phát biểu của ông Vũ Thế Bình cho biết, diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, trong đó vẫn mong muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về chính sách. Về việc mở cửa du lịch, mở cửa an toàn phát triển và phục hồi du lịch mang tính bền vững.
Nhấn mạnh trong phần bế mạc, ông Vũ Thế Bình cho biết: "Du lịch an toàn cần phải có ý thức của những người làm du lịch, của những người xây dựng chính sách du lịch, kể cả cộng đồng dân cư trong khu du lịch. Vấn đề quan trọng của ngành du lịch chúng ta là chuyển đổi nhận thức cho đến hành động để đưa khái niệm mới vào trong hoạt động của chúng ta. Hôm nay tại diễn đàn này, một loạt sản phẩm du lịch mới được trình bày, sản phẩm du lịch xanh, sản phẩm du lịch Mice, sản phẩm du lịch Golf…rồi những vấn đề về xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ số cần được đẩy mạnh trong bối cảnh bình thường mới…
Sau đây Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch tiếp tục tổ chức các hội thảo, diễn đàn khác sâu hơn, nói về những vấn đề chi tiết hơn. Những vấn đề sản phẩm du lịch như thế nào, nguồn nhân lực ra sao, đặc biệt những vấn đề sản phẩm du lịch riêng biệt chúng ta sẽ triển khai như thế nào".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.