Tổng thống Libya ra điều kiện để từ bỏ quyền lực

Thứ sáu, ngày 15/04/2011 06:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù đã tuyên bố chấm dứt hành động quân sự ở Libya nhưng Mỹ đã đột ngột trở lại, đánh dấu bằng những trận không kích mù trời, khiến nhà lãnh đạo Gadhafi trở tay không kịp.
Bình luận 0

Phá vỡ hay càng thêm bế tắc?

Ngày 14.4, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, ông D. Lapan cho biết kể từ ngày 4.4 đến ngày 14.4, Mỹ đã thực hiện ít nhất ba cuộc không kích vào các lực lượng phòng không của quân đội Chính phủ Libya. Trước đó, các quan chức quân sự của Mỹ cho biết có khoảng 50 máy bay chiến đấu đã hoạt động trở lại sau khi Mỹ bàn giao quyền chỉ huy mọi hoạt động quân sự ở Libya cho NATO.

img
Phiến quân sẽ được liên quân trang bị thêm vũ khí để chống lại lực lượng của ông Gadhafi.

Thông tin này được công bố trong bối cảnh Mỹ vẫn khẳng định chỉ đóng vai trò thứ yếu trong chiến dịch tại Libya. Ông Lapan cho biết, trong 3 ngày, từ ngày 4, 6 và 7.4, máy bay chiến đấu của Mỹ đã thực hiện 97 lần xuất kích và ba lần không kích các mục tiêu phòng không của Libya gồm hệ thống radar và các vũ khí chống máy bay - các mục tiêu mà Mỹ biện hộ là vẫn nằm trong nhiệm vụ được nghị quyết của LHQ cho phép.

Bất chấp sự thực Mỹ đang tăng cường không kích Libya, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và nhiều quan chức quốc phòng cấp cao khác của nước này vẫn nói rằng quân đội Mỹ sẽ chuyển từ vai trò chính sang tập trung vào việc tiếp nhiên liệu trên không, thực hiện các chuyến bay giám sát, tham gia hoạt động tìm kiếm và cứu trợ.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, việc Mỹ tái can dự vào chiến dịch quân sự tại Libya có thể giúp phá vỡ thế bế tắc giữa lực lượng chống đối và lực lượng của nhà lãnh đạo Libya Gadhafi.

Ba điều kiện đầu hàng của Gadhafi

Trong một diễn biến liên quan, ngày 13.4, lần đầu tiên một “Nhóm tiếp xúc” gồm các cường quốc phương Tây và các quốc gia Trung Đông đã lên tiếng kêu gọi ông Gadhafi từ chức, trong khi các nước thành viên NATO công khai tranh cãi về việc tăng cường các cuộc không kích để giúp lật đổ ông này. "Nhóm tiếp xúc" gồm các nước châu Âu và Trung Đông - cùng với LHQ, Liên đoàn Arập và Liên minh châu Phi cho rằng, Gadhafi cần phải ra đi.

Trong tuyên bố cuối cùng tại cuộc họp nói trên, “Nhóm tiếp xúc” cho rằng "Gadhafi và chế độ của ông ta đã mất hết tính hợp pháp. Ông ta phải từ bỏ quyền lực để người dân Libya được quyết định tương lai của mình". Tuyên bố cũng khẳng định, "trái với chính quyền hiện nay, Hội đồng dân tộc của phe nổi dậy là bên đối thoại hợp pháp và đại diện cho nguyện vọng của người dân Libya.

Trong khi đó, truyền thông Libya đưa tin, ông Gadhafi cho biết ông sẽ từ bỏ quyền lực với 3 điều kiện: Ông và mọi thành viên trong gia đình cùng tùy tùng của họ phải được tự do đi lại và được an toàn tính mạng; Phe đối lập phải tạo điều kiện bất cứ khi nào ông và tùy tùng muốn rời khỏi Libya, sang nước ngoài sống; Ông sẽ không phải đối mặt với tòa án hình sự quốc tế như một tội phạm chiến tranh - điều mà các nhà lãnh đạo khác từng gặp phải khi từ bỏ quyền lực.

Khoảng 120 tỷ USD tài sản của Libya đang bị phong tỏa và các lệnh trừng phạt đang gây thiệt hại nặng đối với tình hình kinh tế tài chính của nước này. Hiện tại Libya chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu nhiên liệu của cả nước và chính phủ đã phải giảm 25% giá nhiên liệu, đồng thời tăng 50% lương để giảm bớt sức ép kinh tế lên người dân.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem