Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti hôm 30/11, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết sẽ tăng cường điều động vũ khí ra tiền tuyến nếu vũ khí hạt nhân do Mỹ sản xuất tiến sâu hơn vào Đông Âu.
“Tôi đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa vũ khí hạt nhân trở lại Belarus”, Tổng thống Lukashenko nói. Trước đó, Nga từng rút vũ khí hạt nhân ở Belarus về nước sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Theo ông Lukashenko, việc khôi phục lực lượng răn đe hạt nhân từ thời Liên Xô trên lãnh thổ Belarus “sẽ là biện pháp hiệu quả nhất trong trường hợp này”.
“Tôi không nói suông”, ông Lukashenko nhấn mạnh, nhưng không nói rõ ông muốn Mátxcơva triển khai loại vũ khí nào, và tuyên bố rằng việc này sẽ được thực hiện với sự đồng ý của cả hai bên.
Tuyên bố của ông Lukashenko được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ lo ngại rằng chính phủ mới của Đức có thể sẽ từ chối mua một phi đội máy bay mới có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Việc Đức không sẵn sàng tích trữ vũ khí có thể khiến NATO phải đưa bom nguyên tử từ Mỹ sang Đông Âu.
Ông Stoltenberg nói rằng vũ khí hạt nhân của NATO “cung cấp cho các đồng minh châu Âu một chiếc ô hạt nhân hiệu quả”. “Trong số đó, tất nhiên cũng bao gồm các đồng minh phía Đông của chúng tôi. Đó là bằng chứng cho thấy sự đoàn kết của các đồng minh trước bất kỳ kẻ thù có vũ khí hạt nhân nào.”
Người đứng đầu NATO nói rằng việc điều động vũ khí là cần thiết để đối phó với mối đe doạ từ Nga.
Đề xuất của ông Stoltenberg khiến Điện Kremlin phẫn nộ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết động thái này của NATO sẽ đe dọa các hiệp định hòa bình đã ký giữa hai bên.
Đạo luật sáng lập về quan hệ, hợp tác và an ninh được Nga và NATO - khối quân sự do Mỹ đứng đầu ký kết vào tháng 5/1997. Theo đạo luật này, Mátxcơva và NATO không coi nhau là đối thủ. NATO cũng tuyên bố sẽ không đưa vũ khí hạt nhân đến các quốc gia thành viên mới của khối kể từ ngày ký kết hiệp định trở về sau.
Khả năng Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở những khu vực gần Nga từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ giữa hai cường quốc. Năm ngoái, quan chức Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Mátxcơva hy vọng Mỹ sẽ ngừng "chia sẻ" vũ khí hạt nhân với các đồng minh của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.