Tổng thống Pháp mới đắc cử Emmanuel Macron
Nhờ sức hút đặc biệt với cử tri Pháp, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi đã giành chiến thắng áp đảo, trước bà Le Pen để trở thành người đứng đầu Điện Elysée trẻ tuổi nhất trong lịch sử.
Người được cho là "luồng gió mới" trên chính trường Pháp với những ý nghĩ trái truyền thống như muốn xóa bỏ luật lao động 35 giờ, linh hoạt hơn về tuổi nghỉ hưu và muốn các doanh nghiệp tự do thương lượng thời gian lao động... hứa hẹn mang đến những thay đổi lớn trong phong cách điều hành và cam kết thay đổi đời sống, kinh tế, xã hội của Pháp.
Ngoài những quyết sách đối nội nổi bật, ông Macron còn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử khiến cả châu Âu nghẹt thở nhờ những điểm nhấn đặc biệt trong chính sách đối ngoại của mình. Nhiều người đang háo hức chờ đợi để xem Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp sẽ ảnh hưởng tới thế giới như thế nào.
Đối với châu Âu:
Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron luôn đặt rất nhiều cờ EU bên cạnh cờ Pháp.
Theo BBC, Tổng thống đắc cử Macron là người ủng hộ nhiệt tình của EU (Liên minh châu Âu) và chủ nghĩa quốc tế.
Ông Macron muốn đẩy mạnh hơn nữa hội nhập châu Âu, vì theo ông, tương lai của nước Pháp là trong Liên minh châu Âu và khối Euro. Ông là ứng cử viên tổng thống duy nhất đưa ra rất nhiều đề nghị về châu Âu, chẳng hạn như ông muốn ngay từ mùa thu năm nay sẽ tổ chức các "hội nghị dân chủ" ở từng quốc gia thành viên EU, để chính người dân ở các nước tham gia vào việc đề ra một "lộ trình" cho Ủy ban châu Âu. Để thể hiện quyết tâm thúc đẩy hội nhập châu Âu, trong mỗi cuộc mít tinh tranh cử, ông đều cho phân phát rất nhiều cờ EU bên cạnh cờ Pháp.
Đối với Mỹ, NATO
Không giống như đối thủ bà Marine Le Pen, ông Macron là người ủng hộ Mỹ. Ông ủng hộ NATO, xem NATO là nền tảng phòng thủ của Pháp và có quan điểm hợp tác trong các vấn đề lo ngại chung. Điều này bao gồm việc chống lại ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông và sự lớn mạnh của các tổ chức khủng bố Hồi giáo ở Châu Phi.
Tuy nhiên, ông cho rằng, nước Pháp không nên can thiệp vào những cuộc xung đột không liên quan đến mình, trừ trường hợp tự vệ chính đáng. Ông dự trù tăng ngân sách quốc phòng của Pháp lên ít nhất là 2% tổng sản phẩm nội địa GDP, như yêu cầu của Mỹ đối với các nước thành viên NATO.
Đối với Nga:
Ông Macron cho rằng nước Nga của Tổng thống Putin đang thi hành một chính sách ngoại giao "nguy hiểm", bất chấp luật pháp quốc tế. Theo đó, ông phản đối việc tái thiết quan hệ với Nga và ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow nếu nước này không tuân thủ thỏa thuận Minsk (để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine).
Đối với Syria:
Liên quan đến cuộc nội chiến Syria, ông Macron ban đầu cho rằng không nên đặt điều kiện tiên quyết là Tổng thống Assad phải ra đi. Tuy nhiên, sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 4.4 mà chế độ Assad bị cáo buộc là thủ phạm, lập trường của ông đã thay đổi.
Hiện ông Macron yêu cầu phải đưa tổng thống Syria ra xét xử trước các tòa án quốc tế về những tội ác đã gây ra. Tuy nhiên, ông Macron cho rằng ưu tiên số một hiện nay vẫn là phải nhổ tận gốc tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà Nước Hồi Giáo (IS) khỏi Trung Đông.
Đối với châu Phi:
Ông Macron muốn hỗ trợ châu Phi bằng cách tăng ngân sách viện trợ nước ngoài. Ông cũng dự định xem xét các căn cứ quân sự của Pháp ở châu Phi song song với mong muốn giúp đỡ các quốc gia châu Phi tự đứng vững trên chính đôi chân của họ về mặt quốc phòng.
Đối với châu Á - Thái Bình Dương
Ông Macron đã đề cập đến chính sách đối với châu Á – Thái Bình Dương trong chiến dịch tranh cử.
Mặc dù không nói sâu về chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Pháp trong suốt chiến dịch tranh cử, song ông Macron sẽ sớm phải xem xét vấn đề này khi chính thức bước vào Điện Elysée, theo The Diplomat.
Hiện châu Á – Thái Bình Dương được xem là khu vực đang trỗi dậy như là động lực tăng trưởng chính của toàn cầu với sức mạnh về kinh tế, địa thế chiến lược có tác động đáng kể tới cán cân toàn cầu trong mọi vấn đề từ môi trường đến quân sự, chính trị.
Đầu tiên, Pháp cần đến châu Á – Thái Bình Dương như là một thị trường tiềm năng để chấn hưng nền kinh tế vẫn còn rất trì trệ sau suy thoái.
Trao đổi thương mại của Pháp với khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ mức chiếm 14% thương mại với các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) năm 1985, nay đã tăng hơn gấp đôi lên 32% trong năm 2016. Đầu tư trực tiếp của Pháp vào khu vực này hiện đã vượt 80 tỷ USD.
Đặc biệt trong thị trường thiết bị quốc phòng, có khoảng 40% tàu ngầm bán cho các nước Đông Nam Á là từ Pháp.
Thứ hai, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang nắm giữ những lợi ích an ninh quốc gia trực tiếp của Pháp.
Pháp có 1,6 triệu công dân sinh sống trên các vùng lãnh thổ hải ngoại của nước này như Mayotte, La Réunion ở Ấn Độ Dương hay New Caledonia, Polynesia, Clipperton và quần đảo Wallis và Futuna ở Thái Bình Dương, tất cả tạo thành Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ).
Do đó, để đảm bảo lợi ích quốc gia, chính quyền nào ở Pháp cũng cần phải kiên quyết nỗ lực bảo vệ các nguyên tắc tự do hàng hải ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ Dương, Nam Thái Bình Dương và Biển Đông.
Dưới thời của Tổng thống Hollande, nước Pháp đã thành công trong việc đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong 5 năm qua, ông Hollande đã thăm Trung Quốc 3 lần, thăm Nhật Bản 2 lần, là Tổng thống Pháp đầu tiên thăm chính thức Philippines, thăm Việt Nam tháng 9.2016 và một số nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Singapore, Indonesia tháng 3.2017.
Nhận thấy tầm quan trọng của châu Á – Thái Bình Dương, trong chiến dịch tranh cử, ông Macron tỏ ra lưu tâm hơn đối thủ của mình về chính sách đối ngoại với khu vực này.
Ông Macron chủ trương hợp tác với Trung Quốc cả về an ninh, thương mại và môi trường, nhấn mạnh việc cần phải “tái cân bằng” mối quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông không chủ trương xem Trung Quốc là đại diện cho cả châu Á – Thái Bình Dương.
Nhiều khả năng ông Macron sẽ tiếp tục chính sách sử dụng EU như là tác nhân chính cho các mối quan hệ với khu vực và thực hiện các hiệp định thương mại ký với Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc.
Đây có thể là một tín hiệu tích cực đối với Việt Nam. Việt Nam – Pháp có quan hệ truyền thống lâu đời. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12.4.1973.
Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp mang tính đặc thù và độc đáo đồng thời có những điểm tương đồng trong quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.
Về kinh tế, Pháp hiện là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam với 3,3 tỷ euro đầu tư; 3,1 tỷ euro trao đổi thương mại 2 chiều và là nhà tài trợ châu Âu lớn nhất của Việt Nam.
Hai nước đã ký hầu hết các văn bản cần thiết như hiệp định khung về hợp tác kinh tế, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế trùng và hàng loạt hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.
Theo BBC, Tổng thống đắc cử Pháp Macron là người ủng hộ nồng nhiệt xu hướng toàn cầu hóa và có quan điểm rất cởi mở, theo đó, đây được cho là tín hiệu tích cực đối với quan hệ giữa Việt Nam và Pháp dưới thời ông Macron.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.