Tổng thống Putin từ chối đảm bảo an ninh cho Ukraine vì 'vướng' vấn đề Crimea, Donbass

Minh Nhật (theo Pravda) Thứ tư, ngày 27/04/2022 15:01 PM (GMT+7)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga không thể ký kết đảm bảo an ninh cho Ukraine trước khi các vấn đề lãnh thổ xung quanh Crimea và Donbas được giải quyết.
Bình luận 0
Tổng thống Putin từ chối đảm bảo an ninh cho Ukraine vì vấn đề Crimea, Donbass chưa được giải quyết - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh Tass.

Tổng thống Putin đã tuyên bố như trên trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tại Moscow hôm 26/4. Theo nhà lãnh đạo Nga, trong các cuộc hội đàm ở Istanbul, phái đoàn Nga và Ukraine đã đạt được bước đột phá quan trọng.

Tuy nhiên, sau khi đạt được bước đột phá này, Nga phải đối mặt với các cáo buộc sát hại dân thường ở Bucha, vùng Kiev (nơi Nga nắm quyền kiểm soát khoảng 1 tháng trước khi rút quân). Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh "quân đội Nga không liên quan gì" đến tình huống ở Bucha. Nhưng sự kiện đó đã khiến lập trường của các nhà đàm phán Ukraine về việc giải quyết thêm đã thay đổi đáng kể.

"Họ (phái đoàn Ukraine) đã bỏ ý định trước đó là tách rời 2 vấn đề về đảm bảo an ninh và vấn đề lãnh thổ liên quan đến Crimea, Sevastopol và các nước Cộng hòa Donbass. Họ đơn giản từ bỏ nó. Trong trường hợp này, chúng tôi chỉ đơn giản là không thể ký các đảm bảo an ninh cho Ukraine trước khi các câu hỏi liên quan đến lãnh thổ Crimea, Sevastopol và Cộng hòa Donbass được giải quết", ông Putin nói.

Tổng thống Putin từ chối đảm bảo an ninh cho Ukraine vì vấn đề Crimea, Donbass chưa được giải quyết - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tiếp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại Moscow hôm 26/4. Ảnh Reuters.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết, tình huống ở Bucha đã đẩy các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đi vào bế tắc. Tuy nhiên, ông vẫn có hy vọng về các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

"Bất chấp thực tế rằng các hoạt động quân sự đang diễn ra, chúng tôi vẫn hy vọng có thể đạt được các thỏa thuận trên con đường ngoại giao. Chúng tôi vẫn đàm phán, chứ không từ chối nó", Tổng thống Vladimir Putin nói với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres hôm 26/4.

Ukraine ngày 29/3 đã đề xuất một thỏa thuận quốc tế, trong đó các nước lớn sẽ đảm bảo an ninh cho Kiev. Đổi lại Kiev sẽ không gia nhập NATO hoặc cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài tại Ukraine, đồng thời trở thành một quốc gia trung lập, phi hạt nhân hóa.

Các đảm bảo an ninh này sẽ không có hiệu lực trên lãnh thổ Crimea do Nga sáp nhập và các lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk và Luhansk. Phái đoàn Ukraine cũng đề nghị giải quyết câu hỏi về tình trạng của Crimea và Sevastopol một cách riêng biệt và giải quyết câu hỏi liên quan đến Donbass trong các cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Nga và Ukraine.

Kiev cũng tuyên bố sẽ chỉ ký một thỏa thuận quốc tế về đảm bảo an ninh sau khi một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này được tổ chức ở Ukraine. Tổng thống Zelensky cũng nói rằng quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine trước khi một cuộc trưng cầu dân ý như vậy có thể diễn ra.

Tổng thống Nga nói với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres rằng ông "biết rõ những lo ngại về hoạt động quân sự của Nga" ở Ukraine và sẵn sàng thảo luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga lưu ý, tình trạng hỗn loạn ở Ukraine xuất phát từ "cuộc đảo chính chống chính phủ" vào năm 2014.

Về phần mình, Tổng thư ký Guterres đã nhắc lại lời kêu gọi trong cuộc gặp trước đó với Ngoại trưởng Sergey Lavrov rằng Moscow và Kiev nên hợp tác với LHQ để thiết lập hành lang viện trợ và sơ tán dân thường.

Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết, ông Putin đã nhất trí "về nguyên tắc" với Liên Hợp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế về tham gia sơ tán dân thường khỏi nhà máy thép Azovstal tại thành phố cảng Mariupol.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem