Tổng thống Putin lần đầu ra nước ngoài kể từ khi bị Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ

Minh Nhật (theo Lowyinstitute) Thứ năm, ngày 05/10/2023 20:02 PM (GMT+7)
Nhà lãnh đạo Nga được cho là sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Kyrgyzstan trong nỗ lực chứng tỏ ông không bị cô lập.
Bình luận 0
Tổng thống Putin lần đầu ra nước ngoài kể từ khi dính lệnh truy nã quốc tế - Ảnh 1.

Tổng thống Putin. Ảnh IT

Trong những năm qua, Nga đã tìm cách duy trì phạm vi ảnh hưởng của mình với hầu hết các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ bằng cách sử dụng các công cụ của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã làm ảnh hưởng đến vị thế của Moscow trên toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Hội đồng Nguyên thủ quốc gia CIS, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Uzbekistan cùng với Turkmenistan là thành viên liên kết. Đây được cho là cơ hội cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin không bị cô lập trên trường thế giới.

Dự kiến diễn ra vào ngày 13/10 tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, chuyến thăm của ông Putin tới quốc gia Trung Á không giáp biển này sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông vào ngày 17/3 vì các cáo buộc liên quan đến cuộc chiến Ukraine. Số quốc gia mà ông Putin có thể tự do đi lại kể từ đó đã bị thu hẹp.

Tuần này, vào ngày 4/10, Armenia – đồng minh danh nghĩa của Nga trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) – đã phê chuẩn Quy chế Rome về ICC, tuân theo thẩm quyền của tòa án ở The Hague. Các nước đã ký và phê chuẩn Quy chế Rome có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin. Kyrgyzstan đã ký Quy chế Rome vào ngày 8/12/1998 nhưng vẫn chưa phê chuẩn.

Người ta sẽ biết liệu Tổng thống Nga có nhắm mắt làm ngơ trước quyết định như vậy của Armenia và gặp Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tại cuộc họp CIS hay không.

Mặc dù Sergey Lebedev, Tổng thư ký CIS nói rằng “hầu hết các thành viên CIS đã xác nhận tham gia hội nghị thượng đỉnh”, nhưng vẫn chưa rõ liệu ông Pashinyan có đến thủ đô Kyrgyzstan hay không, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Armenia và Nga đang gia tăng lên đến đỉnh điểm sau cuộc di cư của người Armenia khỏi Nagorno-Karabakh.

Năm ngoái, trong hội nghị thượng đỉnh CIS ở thủ đô Astana của Kazakhstan, ông Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã công khai đối đầu nhau.

Với những diễn biến gần đây ở Nagorno-Karabakh, các nhà phân tích nhấn mạnh có nguy cơ xảy ra một bất ngờ công khai mới giữa hai nhà lãnh đạo.

Azerbaijan và Armenia không phải là thành viên CIS duy nhất có mâu thuẫn. Kyrgyzstan và Tajikistan – cũng là đồng minh của Nga trong CSTO và có lịch sử xảy ra các cuộc đụng độ biên giới lẻ tẻ. Các báo cáo cho thấy hai quốc gia Trung Á láng giềng đang xây dựng lực lượng để chuẩn bị cho một đợt xung đột khác.

Trong quá khứ, chính Nga là trung gian hòa giải tranh chấp biên giới giữa Bishkek và Dushanbe. Nhưng điều đó có thể đã thay đổi do cuộc chiến của Điện Kremlin ở Ukraine.

Các nhà phân tích cho rằng chắc chắn Điện Kremlin sẽ tìm cách tận dụng hội nghị thượng đỉnh CIS sắp tới để tăng cường ảnh hưởng của mình ở Kyrgyzstan, nơi phần lớn người dân vẫn ủng hộ sự lãnh đạo của Nga. Nhưng với các thành viên CIS khác, ngoại trừ Belarus, Điện Kremlin có thể gặp khó khăn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem