Tổng thống Zelensky phát biểu tại G7, các nhà lãnh đạo thảo luận kế hoạch tiếp theo đối với Nga

Lê Phương (CNN) Thứ hai, ngày 27/06/2022 15:17 PM (GMT+7)
Hôm 27/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung ở dãy Alps, Bavaria, để nghe bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong bối cảnh chiến sự giữa Moscow và Kiev chuẩn bị bước vào giai đoạn tiếp theo.
Bình luận 0
Tổng thống Zelensky phát biểu tại G7, lên kế hoạch tiếp theo cho cuộc chiến với Nga - Ảnh 1.

Từ trái qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chụp ảnh tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Schloss Elmau, gần Garmisch-Partenkirchen, Đức, vào ngày 26/6/2022. Ảnh: CNN

Xung đột Nga - Ukraine là trung tâm của hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức bên trong một lâu đài trên sườn núi có tuổi đời hàng thế kỷ ở vùng Bavaria của Đức. Tại đây, các nhà lãnh đạo bàn luận về kế hoạch mới nhằm cô lập nền kinh tế Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu vàng mới từ Moscow, cũng như các cách để hạn chế hơn nữa lợi nhuận từ dầu mỏ của nước này.

Trong tuần này, Mỹ dự kiến sẽ công bố hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến mới mà Ukraine yêu cầu, cùng với các lô hàng đạn dược và hệ thống radar.

"Tại cuộc họp lần này của G7, cũng như tại NATO, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để chuẩn bị cho người Ukraine những thứ họ cần trong cuộc đối đầu với Nga", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN hôm 26/6.

Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất trong chương trình nghị sự chính là bao lâu nữa thì phương Tây có thể thống nhất trong việc chống lại Nga. Chi phí năng lượng ngày càng tăng, nỗi lo về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và sự mệt mỏi do giao tranh kéo dài làm dấy lên lo ngại về những diễn biến tiếp theo của xung đột.

Hôm 26/6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết với nhau. Ông Biden nói: "Ngay từ đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin tưởng rằng bằng cách nào đó NATO và G7 sẽ tách rời nhau. Nhưng chúng tôi chưa, và chúng tôi sẽ không tách rời".

Tổng thống Zelensky cũng đang lên kế hoạch phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO trong tuần này tại Madrid, tiếp tục thúc giục phương Tây tăng tốc các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và gửi thêm cho Kiev pháo hạng nặng.

Yêu cầu của ông Zelensky trở nên cấp thiết hơn sau hôm 26/6, khi tên lửa của Nga bắn trúng hai tòa nhà dân cư ở Kiev, thủ đô Ukraine. Tổng thống Biden tỏ ra vô cùng lên án vụ tấn công này.

Tuy nhiên, việc các nhà lãnh đạo sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đến mức nào đối với Nga vẫn còn đang được cân nhắc. Giá dầu cao có nghĩa là Nga đang kiếm được nhiều doanh thu hơn từ xuất khẩu năng lượng của mình, bất chấp lệnh cấm ở châu Âu và Mỹ. Điều đó đã dẫn đến các cuộc thảo luận về việc áp dụng giới hạn giá khi mua năng lượng của Nga, một bước đi được Washington ủng hộ.

Giá xăng cao đối với người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu đang gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo phải tìm biện pháp ứng phó.

Phát biểu với Jake Tapper của CNN vài giờ sau khi tên lửa Nga bắn trúng Kiev, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi người Mỹ, người Anh và nhiều nước khác ở phương Tây duy trì quyết tâm trừng phạt Moscow, bất chấp ảnh hưởng của cuộc chiến giá dầu trên toàn cầu.

Ông Johnson nói: "Đây là điều mà lịch sử nước Mỹ từng làm và luôn làm, đó là thúc đẩy hòa bình, tự do và dân chủ. Nếu chúng ta nhượng bộ Tổng thống Putin thì hậu quả đối với thế giới là cực kỳ nguy hiểm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem