Tổng Thư ký Quốc hội: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh trung thực, khách quan thực tế
Tổng Thư ký Quốc hội: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh trung thực, khách quan thực tế
Quỳnh Nguyễn
Thứ sáu, ngày 17/11/2023 10:45 AM (GMT+7)
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh trung thực, khách quan thực tế trong việc đánh giá những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo những nhiệm vụ được giao.
Sáng 17/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Ảnh: QH
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong năm 2023, các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐBQH được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện.
Hoạt động này được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả, phản ứng linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước; tăng tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và vấn đề được giám sát, ông Phương đánh giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điểm mới là Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong quá trình triển khai thực hiện báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành ba chương trình này.
"Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật", ông Phương nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: QH
Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 và triển khai chương trình giám sát năm 2024 sau đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh trung thực, khách quan thực tế trong việc đánh giá những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo những nhiệm vụ được giao.
Hoạt động "giám sát lại" được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để xem xét và tiến hành chất vấn việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực được nêu trong 10 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Khác với 3 phiên xem xét việc thực hiện các nghị quyết trước đây, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 có sự đổi mới trong cách thức tổ chức chất vấn, theo đó, các vấn đề chất vấn được nhóm lại thành 4 nhóm lĩnh vực; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc chất vấn của ĐBQH và trả lời của người được chất vấn, vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, vừa bao quát được các lĩnh vực đã được giám sát, ông Cường nhấn mạnh.
Tổng thư ký Quốc hội thông tin thêm, việc xem xét báo cáo được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ với nhiều yêu cầu đổi mới theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể. Lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và tiếp tục thảo luận Báo cáo này tại kỳ họp thứ 6; đồng thời, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành thảo luận Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, được dư luận xã hội, cử tri ghi nhận, đánh giá cao.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: QH
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc cho biết, kết quả triển khai giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thấy sự sát thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giám sát toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, phân tích nguyên nhân, đề xuất kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế tồn đọng.
Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, điểm mới của Quốc hội khi tiến hành giám sát trong năm 2023 là đã tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần tích cực cùng với Chính phủ, các bộ ngành địa phương trong việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu ý kiến. Ảnh: QH
Từ ý nghĩa đặc biệt quan trọng của hoạt động giám sát của Quốc hội, phương thức thể hiện quyền lực cao nhất của Nhà nước, góp phần tăng cường pháp chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật với mục tiêu hiệu quả, phát huy trách nhiệm, tính chủ động của các ĐBQH.
Bà Phúc cho biết, các cơ quan đơn vị triển khai giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã tiếp cận, học tập các nội dung đổi mới, xác định rõ giám sát là khâu trọng tâm, then chốt góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đánh giá Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã vận dụng tối đa các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước của các năm trước có liên quan đến các chuyên đề giám sát, đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã chủ động báo cáo với tỉnh ủy để xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch giám sát, các chuyên đề được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công thực hiện cũng như các kế hoạch Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng để triển khai giám sát tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.