Phát triển con người không bền vững: Một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 (Bài 1)

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội TPHCM Thứ hai, ngày 25/12/2023 06:03 AM (GMT+7)
50 năm qua, hầu hết các nước khối EU và nước thu nhập cao không tái tạo được đầy đủ công dân của mình. Một số quốc gia đang đối diện với nguy cơ tự tiêu vong. Toàn thế giới được dự báo là hố đen dân số sau năm 2034 và suy thoái lao động toàn cầu từ 2055, trong đó có Việt Nam.
Bình luận 0

Lời tòa soạn

Trong phát triển bền vững, việc tái tạo đầy đủ con người là yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên, 50 năm qua đã chỉ ra một thực tế đáng lo ngại, 39/42 nước thu nhập cao trên thế giới không có khả năng tái tạo đầy đủ công dân của mình (chiếm 93%). Một số quốc gia đang đối diện với nguy cơ tự tiêu vong. Và Việt Nam cũng được cảnh báo nếu không có các chính sách phát triển dân số phù hợp trong tình hình mới sẽ không ngoại lệ. Báo điện tử Dân Việt xin đăng ý kiến của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân trong bài nghiên cứu liên quan đến vấn đề quan trọng này.

Bài 1: Tổng tỉ suất sinh thấp, một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21

Theo quy luật tự nhiên, tỉ lệ trẻ nam và nữ mới sinh trong một chu kì thời gian (1 năm) ở một cộng đồng dân cư (dân tộc, đất nước) là khoảng 51% nam, 49% nữ (104-106 trai/ 100 gái). Do khả năng sinh tồn của các bé trai yếu hơn, nên một số mất trước khi trưởng thành. Kết quả là ở tuổi 18 trở lên, cùng năm sinh có số nam và nữ gần bằng nhau (tỉ lệ 50% nam và 50% nữ). Số con bình quân mà một phụ nữ của đất nước sinh ra trong đời khi họ kết hôn (hoặc ở với nhau như vợ chồng) được gọi là Tổng tỉ suất sinh.

Phát triển con người không bền vững: Một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 (Bài 1) - Ảnh 2.

Phát triển con người không bền vững là một trong những thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 (Ảnh: unsplash)

Nếu người phụ nữ sinh bình quân trong độ tuổi sinh con được 2,1 con, thì khi các cháu trưởng thành sẽ có 2 người còn sống khỏe mạnh (bình quân trong 2,1 cháu được sinh ra, có 0,1 cháu mất trước tuổi trưởng thành). Tức là 2 người con này sẽ thay cha mẹ của chúng tiếp tục lao động khi cha mẹ không còn khả năng lao động và khi cha mẹ chết sẽ có 2 người con này thay thế, làm cho dân số ổn định. Vì vậy mức sinh bình quân toàn xã hội 2,1 con/phụ nữ được gọi là Tổng tỉ suất sinh thay thế.

Nếu Tổng tỉ suất sinh lớn hơn 2,1 thì số lao động xã hội sẽ tăng lên và dân số sẽ tăng lên. Còn nếu Tổng tỉ suất dưới 2,1 kéo dài thì số lao động trong xã hội sẽ giảm và sau một thời gian dân số cũng giảm (không tính người nhập cư làm tăng dân số). Tức là lúc này đất nước không có khả năng tái tạo đầy đủ con người của mình. Sự phát triển đất nước là không bền vững về con người. Sự phát triển con người không bền vững sẽ dẫn đến sự phát triển của đất nước nói chung không bền vững, mà trước hết là về kinh tế.

Với một đất nước, nếu Tổng tỉ suất sinh (TTSS) thấp dưới TTTS thay thế kéo dài và duy trì ở mức thấp nhiều năm, sẽ gây ra suy giảm số người trong tuổi lao động, thiếu lao động ngày càng nghiêm trọng, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí gây ra trì trệ tăng trưởng và thu ngân sách. Nhật Bản là điển hình có TTSS thấp dưới TTSS thay thế đến nay đã 50 năm (từ 1974). Năm 2000 TTSS = 1,36 và năm 2022 TTSS = 1,26. Các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước Nhật Bản và các nhà khoa học nước ngoài đã cảnh báo là nếu không có các thay đổi chính sách mạnh mẽ, thì mặc dù giai đoạn 1975 - 1995 là nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, GDP/người năm 1995 là 44.200 USD, gấp 1,5 lần của Mỹ, quy mô nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới, dân số 2010 là 128 triệu, đứng thứ 11 thế giới thì việc TTSS thấp kéo dài sẽ dẫn tới hậu quả hết sức nghiêm trọng. 

Viện quốc gia về Dân số và An ninh Xã hội Nhật Bản năm 2006 đã dự báo: đến năm 2100 dân số Nhật Bản chỉ còn 50 triệu người, năm 2200 còn 10 triệu người, năm 2350 còn 1 triệu người và đến 3000 chỉ còn 62 người [HÌNH 1]. Như vậy năm 2300, dân số Nhật Bản khoảng 2,6 triệu người, bằng hơn 2% dân số lúc cao nhất 128 triệu người năm 2010. Tức là lúc này Nhật Bản đã mất hơn 97% dân số. Vì vậy có thể coi 300 năm sau khi đạt dân số cao nhất, Nhật Bản bắt đầu tự tiêu vong. Từ 1990, chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con, song không đem lại kết quả mong muốn (đưa TTSS lên mức 1,8). Tức là quá trình tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Nhật Bản lại đi kèm với suy thoái lao động và dân số (giảm số lượng lao động và giảm dân số liên tục hàng chục năm mà không thấy khả năng phục hồi). Mặc dù là một đất nước có nguồn lực kinh tế rất lớn (là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, thu nhập đầu người rất cao), có nguồn lực con người lớn (dân số 128 triệu người đứng thứ 11 thế giới) song 50 năm qua Nhật Bản lại phát triển không bền vững về con người và có thể tự tiêu vong như họ đã dự báo.

Phát triển con người không bền vững: Một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 (Bài 1) - Ảnh 3.

HÌNH 1: THÁP DÂN SỐ NHẬT BẢN 2000 NĂM (năm 1000 đến năm 3000) (Nguồn: Số liệu từ Demographic history of Japan…, Wikipedia, Đại học Tohoku, Nhật Bản)

Với dự báo dân số Nhật Bản 2010 - 2100 đến 3000 nói trên và thống kê dân số Nhật Bản trước 1900, chúng tôi xây dựng Tháp dân số Nhật Bản 2000 năm [Hình 1]. Nhật Bản cần 1010 năm, từ năm 1000 đến 2010, để dân số tăng từ 4,5 triệu người lên 128 triệu người. Song chỉ cần khoảng 250 năm (2010 - 2260) dân số giảm rất mạnh chỉ còn 4.5 triệu người. Sự sụp đổ Tháp dân số Nhật Bản là cảnh báo mà các nhà nghiên cứu Nhật Bản và nước ngoài đều thống nhất, cho dù con số cụ thể dự báo dân số vào các mốc thời gian cụ thể có thể khác nhau chút ít.

Từ năm 1984, TTSS của Hàn Quốc đã thấp dưới 2,1, năm 2000 TTSS = 1,48 và năm 2022 TTSS = 0,78 thấp nhất thế giới. Năm 2014, cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Hàn Quốc đã dự báo, nếu TTSS = 1,19 tiếp tục duy trì thì dân số Hàn Quốc năm 2050 chỉ còn 47,4 triệu người, năm 2100 còn 20 triệu người, năm 2200 còn 3 triệu, năm 2300 còn 1 triệu và nước Hàn Quốc sẽ tiệt chủng vào năm 2750 [HÌNH 2]. Như vậy, năm 2300 Hàn Quốc chỉ còn gần 2% dân số so với khi cao nhất 51,8 triệu năm 2020, tức là mất hơn 97% dân số. Có thể coi, Hàn Quốc cũng bắt đầu tự tiêu vong sau 300 năm.

Với dự báo dân số Hàn Quốc nói trên và thống kê dân số từ năm 1800, chúng ta có Tháp dân số Hàn Quốc 1000 năm, HÌNH 2.

Phát triển con người không bền vững: Một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 (Bài 1) - Ảnh 4.

HÌNH 2: THÁP DÂN SỐ HÀN QUỐC 1000 NĂM (Nguồn: Statista: Population of the Republic of Korea from 1800 to 2020)

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy: trong 42 nước thu nhập cao trên thế giới, có dân số từ 1 triệu người trở lên, có tới 39 nước (khoảng 93%) có TTSS thấp dưới TTSS thay thế, trong đó có 31/42 nước (gần 74%) TTSS thấp đã kéo dài từ 30 năm trở lên. Cụ thể là:

● Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 50 năm trở lên (10 nước): Phần Lan (54 năm), Croatia (54 năm), Đức (52 năm), Canada (51 năm), Thụy Sĩ (51 năm), Nhật Bản, Áo, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch (50 năm).

● Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 40 năm đến 49 năm (13 nước): Anh (49 năm), Nauy (48 năm), Ý (46 năm), Pháp (46 năm), Singapore (46 năm), Úc (45 năm), Hungary (43 năm), Slovenia (42 năm), Czech (41 năm), Tay Ban Nha (41 năm), Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Hy Lạp (40 năm).

● Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 30 đến 39 năm (8 nước): Bulgaria (36 năm), Estonia (32 năm), Latvia (32 năm), Romania (32 năm), Ba Lan (31 năm), Slovakia (31 năm), Lithuania (31 năm), Thụy Điển (30 năm)

● Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 9 năm đến dưới 30 năm (3 nước): Mỹ (15 năm), Iceland (10 năm), Newzealand (9 năm)

Tất cả 31 nước thu nhập cao có TTSS dưới TTSS thay thế từ 30 năm trở lên đều không thể tự tái tạo được đầy đủ lao động và công dân của mình.

Giải pháp căn bản, bên cạnh các chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con của chính phủ để bù đắp thiếu hụt lao động - hậu quả của suy thoái lao động và dân số, là tiếp nhận người nhập cư. Nếu không có người nhập cư là nguồn lao động và dân số bổ sung thì 74% các nước thu nhập cao hiện nay (31/39 nước) đã trải qua hàng chục năm suy thoái về lao động và dân số. Năm 1970, tất cả các nước trên thế giới đều có TTSS lớn hơn 2,1 và TTSS của thế giới là 4,7. Năm 2000, TTSS của hầu hết các nước đều giảm, TTSS của Châu Âu chỉ là 1,43, Bắc Mỹ là 1,97, còn của thế giới là 2,7. Năm 2020, các nước có TTSS < 2,1 đã chiếm tới 40% dân số thế giới, TTSS thế giới là 2,3. Dự báo năm 2034 TTSS của thế giới là 2,1 và sau đó giảm dần, năm 2100 TTSS = 1,66. Năm 2064 dân số thế giới đạt đỉnh 9.7 tỉ và sau đó giảm còn khoảng 8,8 tỉ năm 2100. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 2000 năm gần đây của loài người dân số thế giới giảm kéo dài. Thế kỉ 21 được dự báo là thế kỉ đầu tiên chứng kiến suy thoái dân số loài người (kéo dài 36 năm, 2064 - 2100 [HÌNH 3]. Các dự báo về TTSS của các nước và thế giới không tính đến sự thay đổi chính sách của các chính phủ trong việc hỗ trợ lập gia đình và nuôi dạy con.

Phát triển con người không bền vững: Một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 (Bài 1) - Ảnh 5.

HÌNH 3: TỔNG TỈ SUẤT SINH VÀ DÂN SỐ THẾ GIỚI (Nguồn: UN, The Lancet 14.8.2022)

Nhật Bản là nước thu nhập cao, có TTSS dưới TTSS thay thế từ 1974. Sau khoảng 20 năm TTSS giảm liên tục, TTSS tuy có thay đổi hàng năm, song ổn định ở mức thấp, bình quân từ 1995 - 2022 khoảng 1,366. TTSS năm 2020 là 1,33, dự báo 2070 là 1,36 và 2100 là 1,32. Từ năm 1995 số người trong tuổi lao động giảm, từ 2010 dân số giảm.

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về hiện tượng TTSS ở Nhật Bản thấp bền vững, gây hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng, song đến nay chưa có các kết quả đầy đủ, đồng bộ về nguyên nhân của hiện tượng này làm cơ sở cho chính phủ đưa ra các giải pháp, chương trình khắc phục được tình trạng này. Vì vậy các chương trình của chính phủ khuyến khích kết hôn và sinh con từ hơn 30 năm nay (1990 - 2023) đã không đem lại kết quả mong muốn (tăng TTSS lên 1,8 và cao hơn).

Viện Nghiên cứu Dân số và An ninh xã hội Nhật Bản đã dự báo, đến 2070, TTSS khoảng 1,36. Như vậy Nhật Bản sẽ trải qua 100 năm TTSS dưới TTSS thay thế (1974 - 2070), 75 năm suy thoái lao động (1995 - 2070), 60 năm suy thoái dân số (2010 - 2070). Còn theo dự báo, Nhật Bản sẽ trải qua 126 năm TTSS dưới TTSS thay thế (1974 - 2100), 105 năm suy thoái lao động (1995 - 2100) và 90 năm suy thoái dân số (2010 - 2100), HÌNH 4.

Phát triển con người không bền vững: Một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 (Bài 1) - Ảnh 6.

HÌNH 4: TỔNG TỈ SUẤT SINH VÀ DÂN SỐ CỦA NHẬT BẢN (Nguồn: WB; Viện quốc gia về Dân số và An ninh xã hội Nhật bản; dự báo 2100; Economic Data (10.8.2023): Working Age Population for Japan, WB)

Trong khi Nhật Bản không tiếp nhận người nhập cư như giải pháp chủ yếu để bù đắp thiếu hụt lao động do TTSS dưới 2,1 kéo dài 50 năm (1974 - 2023) thì Đức, cũng là một nước thu nhập cao, có TTSS thấp dưới 2,1 kéo dài hơn 50 năm (1971 - 2023), song bù đắp thiếu hụt lao động bằng người nhập cư hàng năm, HÌNH 5. Sau khoảng 10 năm, TTSS giảm mạnh (1970 - 1980), từ 1980 - 2022 TTSS thấp, tương đối ổn định, bình quân khoảng 1,47, HÌNH 5, dự báo 2100 là 1,35.

Phát triển con người không bền vững: Một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 (Bài 1) - Ảnh 7.

HÌNH 5: TỔNG TỈ SUẤT SINH CỦA ĐỨC (Nguồn: WB, dự báo 2100)


Mặc dù cả chính phủ Nhật Bản và Đức đều có các chính sách hỗ trợ gia đình và trẻ em, song đã gần 30 năm ở Nhật Bản và 40 năm ở Đức, TTSS vẫn ổn định ở mức thấp, bình quân dưới 1,5 và tới năm 2100 không thấy khả năng phục hồi trở lại TTSS = 1,5 hoặc TTSS thay thế.

Diễn biến Tổng tỉ suất sinh của các châu lục và thế giới hơn 60 năm qua

BẢNG 1: TỔNG TỈ SUẤT SINH CÁC CHÂU LỤC VÀ THẾ GIỚI 1955 - 2020 (Nguồn: Statista: Fertility rate in each continent and world wide, from 1950 - 2020)

1955-1960

1970-1975

1975-1980

1995-2000

2005-2010

2010-2020

Châu Á

5,59

5,06

4,1

2,61

2,33

2,15

Châu Phi

6,62

6,7

6,64

5,35

4,9

4,44

Châu Âu

2,66

2,17

1,98

1,43

1,56

1,61

Bắc Mỹ

3,61

2,02

1,77

1,95

2,01

1,75

Nam Mỹ

5,85

4,92

4,4

2,77

2,26

2,04

Châu Đại Dương

4,1

3,25

2,76

2,48

2,54

2,36

Thế giới

4,9

4,47

3,86

2,78

2,58

2,47

Qua BẢNG 1 ta thấy trước năm 1970, tất cả các châu lục đều có TTSS lớn hơn TTSS thay thế, dân số đều đang tăng, như các cánh đồng dân số xanh tươi. Tuy nhiên 30 năm sau, năm 2000, TTSS của tất cả các Châu lục đều giảm, riêng Châu Âu là thấp nhất, chỉ còn 1,43. Châu Âu trở thành Châu lục đầu tiên không duy trì được khả năng tái tạo đầy đủ con người của mình liên tục từ 1975. Rất nhiều nước riêng lẻ ở Châu Âu đã mất khả năng này từ những năm 1970: Đức (1971), Thụy Sỹ (1972), Áo (1973), Hà Lan (1973), Đan Mạch (1973), Bỉ (1973), Anh (1974), Nauy (1975), Pháp (1977), Ý (1977).

Do lúc này 4/6 các khu vực khác đều đang có TTSS lớn hơn TTSS thay thế nên Châu Âu có thể thu hút người nhập cư từ các lục địa này như Châu Á, Nam Mỹ, Châu Đại Dương, Châu Phi, BẢNG 1. Lục địa Châu Âu đã thu hút người nhập cư đến năm 2000 là khoảng 30 năm.

Tuy nhiên năm 2000, Châu Âu có TTSS = 1,43, rất thấp so với TTSS thay thế 2,1. Tức là hàng triệu người nhập cư từ các nước có TTSS lớn hơn TTSS thay thế, song khi vào làm việc và ở Châu Âu, họ không sinh con với TTSS ở các nước gốc của họ, mà theo TTSS của chính Châu Âu. Có thể coi Châu Âu là " Hố đen dân số " đầu tiên của thế giới: năm 2000, cứ 2 người dân tại đó (1 nam, 1 nữ) hay 2 người nhập cư vào Châu Âu ở tuổi kết hôn thì sau 1 thế hệ, bình quân họ chỉ sinh ra 1,43 người con (1 người chỉ có 0,715 người thay thế), sau 2 thế hệ chỉ có 1,022 cháu (1 người chỉ có 0,51 cháu) và đến thế hệ thứ 3 chỉ có 0,73 chắt (1 người chỉ có 0,36 chắt). Tức là Châu Âu muốn duy trì lao động và dân số ổn định, phải không ngừng nhập cư, vì TTSS của họ qua nhập cư không tăng được đến mức TTSS thay thế, BẢNG 1.

Trong khi hầu hết các nước thu nhập cao có TTSS thấp hơn 2,1 và thấp ổn định, kéo dài hơn 30 năm (74%), các nước thu nhập trung bình và thấp có TTSS giảm dần từ 1960. Do đó TTSS toàn cầu giảm dần. Viện Tính toán và Đánh giá sức khỏe, Đại học Washington năm 2020 đã dự báo: năm 2034 TTSS toàn cầu sẽ bằng 2,1 và sau đó giảm dần, năm 2100 có giá trị khoảng 1,66 ( số liệu dự báo 2019 của Cơ quan dân số LHQ là 1,9), HÌNH 3. Tức là lúc này, sau 2034, cả thế giới sẽ là một hố đen về dân số. Thực tế là ngoài Châu Âu, từ 1975 đã là hố đen về dân số, các châu lục khác như Bắc Mỹ (2010), Nam Mỹ, Châu Á và Châu Đại Dương, BẢNG 1, đều lần lượt trở thành các hố đen dân số trước 2034. Riêng Châu Phi, năm 2063 có TTSS = 2,1 và sau đó tiếp tục giảm, là hố đen dân số cuối cùng trong các châu lục. Như vậy trước 2034, các nước thu nhập cao, thiếu lao động kéo dài có thể bù đắp qua lao động nhập cư từ các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp, đặc biệt từ Châu Phi.

Song sau 2034 ( chỉ còn 11 năm nữa) việc này sẽ ngày càng khó khăn và từ 2055 là không khả thi, vì lúc này TTSS toàn cầu đã dưới TTSS thay thế 20 năm, sẽ suy thoái lao động toàn cầu và Châu Phi từ 2064 là hố đen dân số.

Như vậy 50 năm qua, 1970 - 2020, nhân loại đã phát triển dân số theo xu hướng:

● TTSS bình quân toàn cầu giảm từ 4,7 xuống 2,3 (HÌNH 3).

● Trên thế giới từ thừa lao động thành thiếu lao động cục bộ ở hơn 90% các nước thu nhập cao.

● Các nước thiếu lao động hầu hết tiếp nhận lao động nhập cư để bù đắp thiếu lao động (trừ Nhật Bản và Hàn Quốc).

Dự báo trong 14 năm tiếp theo (2020 - 2034):

● TTSS toàn cầu sẽ giảm từ 2,3 xuống 2,1 (HÌNH 3)

● Việc thiếu lao động ở các nước thu nhập cao và một số nước thu nhập trung bình tiếp tục gia tăng

● Các nước thiếu lao động hầu hết bù đắp qua lao động nhập cư, giữ được dân số tương đối ổn định

● Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ giảm dân số, nếu không thu hút được đủ người nhập cư để bù đắp.

Dự báo 66 năm tiếp theo 2034 - 2100:

● TTSS toàn cầu giảm từ 2,1 xuống 1,66 (HÌNH 3). Thế giới là hố đen dân số sau 2034. TTSS của tất cả các châu lục đều dưới 2,1 vào năm 2064 và giảm dần sau đó.

● Châu Phi là lục địa cung cấp nhân lực nhập cư chủ yếu cho toàn thế giới, trở thành hố đen dân số sau 2064.

● Suy thoái lao động toàn cầu từ sau 2055 (45 năm cho tới năm 2100) do TTSS đã giảm xuống dưới TTSS thay thế từ 2035.

● Việc bù đắp thiếu lao động ở tất cả các nước có TTSS dưới 2,1 là không khả thi sau 2055.

● Dân số thế giới đạt đỉnh 9,7 tỉ vào năm 2064, sau đó sẽ giảm còn khoảng 8,8 tỉ năm 2100 (suy thoái dân số toàn cầu 36 năm), HÌNH 3, và dân số hầu hết các nước thu nhập cao sẽ giảm sau 2064.

Tức là nếu trong giai đoạn 70 năm sau của thế kỉ 21 (2030 - 2100), các nước trên thế giới không hiệp lực nghiên cứu để tìm ra giải pháp khắc phục được xu hướng phát triển: khi chuyển từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao TTSS của đại đa số các nước đều giảm từ trên 2,1 xuống dưới 2,1 và sau đó duy trì một cách bền vững ở mức thấp, thì điều này sẽ dẫn đến kết quả dự báo là sau 2034 toàn thế giới sẽ có TTSS < 2,1, sau 2055 sẽ suy thoái lao động toàn cầu và sau năm 2064 suy thoái dân số toàn cầu. 

Việc dự báo TTSS và dân số các nước từ 2020 đến 2100 là khó khăn, vì không dự báo được chính sách dân số và nhập cư của các nước. Vì vậy kết quả dự báo của các tổ chức có khác nhau (thời điểm TTSS toàn cầu bằng 2,1, thời điểm dân số thế giới đạt đỉnh, TTSS và dân số năm 2100). Dù các mốc thời gian dự báo có thể chênh nhau khoảng 10 năm, song điều này không ảnh hưởng đến bản chất sự diễn biến TTSS và dân số của thế giới. Loài người đang phát triển kinh tế đi kèm với suy thoái lao động và dân số, phát triển con người không bền vững.

Trong chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của LHQ ( 2015 - 2030 ) có 17 nhóm mục tiêu bao gồm 169 chỉ tiêu, 3840 sự kiện. Tuy nhiên các khái niệm sau không xuất hiện, không được nhắc tới:

● Hạnh phúc của con người và gia đình hạnh phúc.

● Phát triển bền vững về văn hóa.

● Tổng tỉ suất sinh, Tổng tỉ suất sinh thay thế và phát triển bền vững về con người.

Liên hợp quốc chưa đưa ra cảnh báo: với mô hình "Tăng trưởng kinh tế đi kèm với suy thoái lao động và dân số" loài người đang phát triển con người không bền vững, sau 2034 cả thế giới là hố đen dân số, năm 2100 TTSS = 1,66, trong khi thực tiễn ở Nhật bản và hơn 90% các nước thu nhập cao 50 năm qua đã là cảnh báo rất rõ ràng. Đây là một hạn chế lớn, bất cập về nhận thức ở mức toàn cầu trước thực tế phát triển không bền vững về con người đã diễn ra từ hơn 50 năm nay và dự báo sẽ tiếp tục cho đến 2100 và sau đó. 

Trong khi đó, một số nhà khoa học đã dự báo sự thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của thế giới vào năm 2100 và kéo theo là thay đổi sức mạnh địa chính trị do sự thay đổi dân số ở các châu lục. August Hooke và Lauren Ahati dự báo tỉ trọng GDP của các châu lục năm 2100 và so sánh với năm 2020 như sau [Bảng 2]:  Chỉ sau 80 năm của thế kỉ này, sức mạnh kinh tế của các lục địa sẽ thay đổi về chất. Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Đại Dương từ chỗ chiếm 48% GDP toàn cầu sẽ chỉ còn đóng góp hơn 17%. Châu Phi từ đóng góp 5% GDP toàn cầu sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhì thế giới, chiếm gần 39%, hơn 2 lần đóng góp của Châu Mỹ và Châu Âu. Châu Á và Châu Phi sẽ đóng góp gần 83% kinh tế thế giới vào năm 2100 và vì vậy sẽ là các lực lượng chi phối mạnh mẽ chính trị thế giới.

BẢNG 2: TỈ TRỌNG KINH TẾ (GDP) CÁC CHÂU LỤC (Nguồn: A. Hooke, L Ahati)

2020

2100

Châu Mỹ

25%

48%

10,8%

17,3%

Châu Âu

22%

5,77%

Châu Đại Dương

1%

0,7%

Châu Á

47%

52%

43,9%

82,7%

Châu Phi

5%

38,8%

50 năm đã trôi qua, hầu hết các nước thành viên EU và hơn 90% các nước thu nhập cao trên thế giới không tái tạo được đầy đủ con người trên lãnh thổ của mình mà phải bù đắp bằng người nhập cư. Không có hàng chục triệu người nhập cư trong 50 năm qua vào các nước EU và Bắc Mỹ thì không có một EU và Bắc Mỹ ổn định và phát triển như hôm nay. Song 32 năm nữa, năm 2055, việc nhập cư như vậy là không khả thi vì toàn thế giới là hố đen dân số sau 2034 và suy thoái lao động toàn cầu từ 2055.

Có lẽ phải mất khoảng 10 năm nữa, việc phát triển bền vững về con người như một trụ cột của phát triển bền vững mới được đưa vào chương trình nghị sự phát triển bền vững của LHQ và cũng chưa biết đến năm 2034, nhân loại có tìm ra được giải pháp hiệu quả để chặn đứng sự phát triển con người không bền vững hay không (từ năm 2035 TTSS của thế giới dự báo sẽ thấp hơn TTSS thay thế). Có thể nói, phát triển con người không bền vững đang là một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỉ 21.

Cho đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nào dự báo được dân số thế giới sau năm 2100 đến năm 3000. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng một phương pháp dự báo thô (không chính xác) dân số các nước và thế giới sau 100 năm đến 1000 năm. Theo đó, nếu giả định TTSS năm 2100 là 1,66 như dự báo và bình quân TTSS = 1,6 cho 900 năm tiếp theo 2100 - 3000 và với ước lượng các giá trị Tuổi thọ bình quân, Tuổi kết hôn lần đầu bình quân, thì theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, dân số thế giới năm 2200 là khoảng 5,8 tỉ, năm 2300 là 3,8 tỉ, năm 2400 là 2,5 tỉ, bằng dân số năm 1950, dân số năm 2500 là 1,6 tỉ và năm 2900 khoảng 0,3 tỉ tương đương dân số thế giới năm 1200, HÌNH 6 - Tháp dân số thế giới 2000 năm. Đây không phải là dự báo dân số tương đối chính xác mà chỉ là một dự báo thô nhằm làm rõ xu thế suy thoái dân số toàn cầu trong 1000 năm tới, 2000 - 3000, nếu nhân loại không tìm ra các giải pháp hiệu quả để tăng TTSS lên mức bình quân cao hơn đáng kể so với mức TTSS = 1,6. Nếu nhân loại giữ được TTSS sau năm 2100 đến năm 3000 ở mức bình quân 2,1 thì dân số thế giới năm 3000 vẫn khoảng 9,7 tỉ, HÌNH 6.

Phát triển con người không bền vững: Một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 (Bài 1) - Ảnh 10.

HỈNH 6: THÁP DÂN SỐ THẾ GIỚI 2000 NĂM (NĂM 1000 - 3000) (Nguồn: Wikipedia World Population (1000 - 2020), (2020 - 2064 - 2100))

Tự tính (2100 - 3000)

Theo đó, ta thấy loài người cần 1064 năm, để dân số tăng từ 300 triệu (năm 1000) lên đỉnh khoảng 9700 triệu, năm 2064, và sau đó cần 936 năm, để dân số giảm từ 9700 triệu xuống còn 230 triệu năm 3000. Năm 2900, dân số 0,33 tỉ tương đương 3,4% dân số cực đại 9,7 tỉ năm 2064, tức là đã mất gần 97% dân số. Với bối cảnh này, loài người sẽ bước vào nguy cơ tự tiêu vong sau năm 2900, HÌNH 6.

Như vậy với cùng tiêu chí "đã mất 97% dân số" thì Nhật Bản và Hàn Quốc như dự báo của chính họ sẽ bước vào giai đoạn tự tiêu vong 300 năm sau năm 2000 (năm 2300), còn loài người là 900 năm sau năm 2000 (năm 2900).

(Còn tiếp)

Bài 2: Thành tựu và 4 thách thức của Việt nam trong phát triển con người bền vững

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem