Giải pháp phát triển con người Việt Nam bền vững giai đoạn 2025-2045 (Bài 3)

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội TPHCM Thứ tư, ngày 27/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Từ thực trạng cũng như xu hướng phát triển không bền vững về con người của thế giới, từ triển vọng Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược phát triển dân số Việt Nam đến 2030 không “đảm bảo vững chắc Tổng tỉ suất sinh thay thế”, từ dự báo thô dân số Việt Nam giai đoạn 2100 - 3000, truyền thống văn hóa…, chúng ta cần làm gì?
Bình luận 0

Xây dựng Chiến lược phát triển con người Việt Nam bền vững giai đoạn 2025 - 2045 với 5 quan điểm cơ bản:

1. Phát triển bền vững con người Việt Nam là nền tảng quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững đất nước.

Còn con người Việt Nam thì mới còn văn hóa Việt Nam, còn đất nước Việt Nam. Nếu đất nước Việt Nam không tái tạo được con người Việt Nam thì đất nước sẽ tiêu vong. Vì vậy những chính sách nào của nhà nước, chính quyền địa phương, các quy định nào của các doanh nghiệp, tổ chức cản trở, gây thiệt hại cho việc phát triển con người bền vững cần phải được điều chỉnh hoặc loại bỏ ngay.

2. Để phương thức tăng trưởng kinh tế của đất nước không dẫn tới suy thoái lao động và dân số cần có sự thống nhất cao giữa chính phủ, các doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò không thể thay thế của gia đình và các điều kiện cần thiết để gia đình hạnh phúc, đảm bảo vững chắc TTSS thay thế.

Tái tạo con người qua phát triển gia đình hạnh phúc và phát triển kinh tế là quan hệ 2 chiều, có sự chi phối của chính sách phát triển quốc gia, các địa phương và hoạt động của doanh nghiệp. Có con người, có lao động đủ số lượng với chất lượng không ngừng nâng cao thì mới có điều kiện phát triển kinh tế bền vững trong cơ chế cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Phát triển kinh tế sẽ tạo điều kiện để xây dựng gia đình hạnh phúc, công dân hạnh phúc. 

Thực tế ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) đã chỉ rõ: không phải năng suất lao động cao, không phải GDP/người cao thì đương nhiên gia đình có điều kiện đủ để là gia đình hạnh phúc, để sinh đủ 2 con là hạnh phúc. Toàn cầu 50 năm qua là: GDP/người càng tăng thì nguyện vọng người lao động kết hôn và sinh con càng giảm, đi tới xu thế: sau 2034, cả thế giới không đảm bảo TTSS thay thế, sau 2055 suy thoái lao động toàn cầu, sau 2064 suy thoái dân số toàn cầu, cả thế giới là hố đen dân số. Thực tế của Nhật Bản đã chỉ rõ: thời gian làm việc quá dài, điều kiện phát triển nghề nghiệp của phụ nữ bị hạn chế khi sinh con và nuôi dạy con, việc người vợ có thời gian làm việc nhà, nuôi dạy con gấp 9 lần người chồng, việc chi phí học hành của con và chi phí tiền nhà cao, thiếu chỗ học cho trẻ mầm non… là những yếu tố trực tiếp cản trở mong muốn lập gia đình và có con. TP. Hồ Chí Minh là nơi có GDP/người cao nhất cả nước, song là nơi có TTSS thấp nhất cả nước từ hơn 20 năm nay, những năm gần đây chỉ ở mức khoảng 1,4 con/phụ nữ. TP. Hồ Chí Minh là hố đen dân số sớm nhất, lớn nhất cả nước, dù thành phố là nền kinh tế lớn nhất trong 63 tỉnh, thành phố (đóng góp khoảng 23% GDP), có năng suất lao động cao nhất cả nước (gấp khoảng 2,6 lần năng suất lao động Việt Nam).

Bài học từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam là: cần đảm bảo khi chính phủ thiết kế mục tiêu và chính sách phát triển kinh tế, khi các doanh nghiệp quy định chế độ tiền lương và điều kiện lao động, khi quy hoạch đô thị về giao thông, giáo dục, y tế, nhà ở, dịch vụ thì tổng hòa tác dụng của các chính sách, mục tiêu phát triển của chính phủ, chính quyền địa phương, các quy định của doanh nghiệp, tổ chức và điều kiện sống thực tế của người lao động ở lứa tuổi 22 - 35 không tạo áp lực buộc họ phải lựa chọn và quyết định: muốn duy trì việc làm có thu nhập cần thiết, đủ sống thì phải từ bỏ nguyện vọng có gia đình, hoặc có gia đình thì phải từ bỏ nguyện vọng có 2 con hoặc 1 con. Chỉ khi đó nguyện vọng có gia đình, có 2 con mới có thể trở thành hiện thực với đại đa số người lao động, TTSS được duy trì ở mức TTSS thay thế, đất nước mới phát triển bền vững về con người.

Giải pháp phát triển con người Việt Nam bền vững giai đoạn 2025-2045 (Bài 3) - Ảnh 1.

Không có một chiến lược phát triển con người Việt Nam bền vững sẽ dẫn tới suy thoái lao động và dân số (ảnh minh họa, nguồn: freepik)

3. Các chính sách của chính phủ để phòng ngừa suy thoái lao động, suy thoái dân số phải được ban hành từ sớm, từ xa và đủ mạnh.

Phân tích diễn biến TTSS và dân số của Nhật Bản hơn 50 năm qua (1970 - 2023), các chính sách, chương trình hỗ trợ gia đình và sinh con của chính phủ hơn 30 năm (1990 - 2023), có thể rút ra 2 bài học:

- Bài học 1: Do việc thiếu lao động chỉ xuất hiện sau khoảng 20 năm TTSS đã thấp dưới TTSS thay thế, nên nhiều năm sau khi TTSS đã giảm dưới TTSS thay thế chính phủ, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức không có các giải pháp kịp thời, đủ mạnh để đưa TTSS trở lại TTSS thay thế.

Thực tế của Nhật bản đã chỉ rõ: khi TTSS bắt đầu giảm dưới TTSS thay thế (1974) đất nước không thiếu lao động, chưa gây hậu quả kinh tế vì sau khoảng 15 - 20 năm sau, các em được sinh ra trước đó mới đến tuổi lao động, lúc đó mới thiếu lao động. Chỉ từ năm 1995 số người trong tuổi lao động ở Nhật Bản mới giảm. Chính sự chậm 20 năm này, sự lệch pha 20 năm giữa TTSS thấp dưới 2,1 và thiếu lao động thực tế đã làm cho các nhà quản lý đất nước, quản lý chính quyền địa phương và các chủ doanh nghiệp chậm nhận ra nguy cơ thiếu lao động lâu dài, nguy cơ TTSS sẽ thấp bền vững dưới TTSS thay thế, nguy cơ đất nước tự tiêu vong. Vì vậy mà các chương trình của chính phủ hỗ trợ lập gia đình và sinh con ban hành có phần chậm, quy mô tài chính nhỏ và các doanh nghiệp chưa vào cuộc đủ mạnh để tạo điều kiện cho người lao động, nhất là lao động nữ có thể vừa có gia đình, có con, vừa có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Kết quả là các chương trình hỗ trợ của chính phủ tác dụng thực tế ít, sau hơn 30 năm (1990 - 2023) không đem lại sự thay đổi TTSS mong muốn, nước Nhật vẫn đứng trước nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm (dân số năm 2300 dự báo là 4 triệu người, bằng 3% dân số lúc lớn nhất 128 triệu năm 2010).

- Bài học 2: Khi các chính sách hỗ trợ gia đình và trẻ em để khuyến khích kết hôn, sinh 2 con trở lên, làm tăng TTSS của chính phủ tác dụng thực tế thấp, không tăng được TTSS cơ bản, lâu dài đã kéo dài hơn 20 năm (1990 - 2015) thì một bộ phận người dân sẽ thay đổi căn bản quan niệm về gia đình và sinh con "kết hôn và có con là bất lợi cho bản thân, không cần thiết".

Khi các chương trình hỗ trợ kết hôn và sinh con của chính phủ ít tác dụng kéo dài hơn 20 năm, cùng với quan điểm xã hội chính thống "kết hôn và sinh con là quyền tự do cá nhân, không liên quan đến nghĩa vụ công dân với Tổ quốc" và thực tế kinh tế trì trệ kéo dài gần 30 năm (1975 - 2023) thì một bộ phận dân cư ngày càng tăng sẽ thay đổi quan niệm của họ về gia đình: từ "gia đình là có ích, có gia đình và có con là hạnh phúc" thành "kết hôn và có con là bất lợi cho bản thân, không cần thiết". Khi sự thay đổi nhận thức về gia đình như vậy đã diễn ra, ở Nhật Bản là sau 2015, thì việc đảo ngược nhận thức này sẽ rất khó khăn, TTSS tiếp tục tự duy trì ở một mức rất thấp. Nhật Bản đã dự báo, TTSS sẽ ở mức 1,36 trong 50 năm nữa (2020 - 2070), HÌNH 4.

4. Nếu tiền lương tối thiểu của người lao động không đủ để nuôi 2 người thì không thể có phát triển nhân lực bền vững.

Để đất nước có nhân lực bền vững thì TTSS phải bằng hoặc lớn hơn TTSS thay thế. Như vậy một gia đình có 2 người đi làm phải có thu nhập tối thiểu đủ nuôi được 4 người, thì lúc đó họ mới có thể nuôi được 2 con. Thực tế ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều đô thị ở Việt Nam đã chỉ rõ: lương của người lao động, nhất là công nhân không đủ nuôi 2 người nên đa số gia đình không thể nuôi được 2 con, dù họ muốn. Kết quả là TTSS ở TP. Hồ Chí Minh đã hơn 20 năm dưới 2,1 và những năm gần đây chỉ ở mức 1,4, còn TTSS của các đô thị Việt Nam cũng hơn 20 năm dưới TTSS thay thế, BẢNG 4, và TTSS năm 2021 là 1,64.

Cho đến nay, gần 50 năm sau thống nhất đất nước, chính phủ vẫn không công bố mức sống tối thiểu được xác định như thế nào và các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước không công bố tiền lương tối thiểu trên cơ sở các quy định về cách tính mức sống tối thiểu của nhà nước. Nếu điều này không được khắc phục thì không có tiền đề để phát triển con người bền vững ở Việt Nam sau 2025.

5. Cần làm rõ và khẳng định: kết hôn và sinh con là quyền tự do cá nhân, đồng thời người Việt Nam yêu nước có trách nhiệm đóng góp cho đất nước phát triển bền vững.

Khi đất nước bị xâm lược, người Việt Nam yêu nước phải sẵn sàng ra trận, dù có thể hi sinh, vì "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Trong hòa bình, mọi người Việt Nam vẫn phải sẵn sàng bảo vệ tổ quốc, song thực tế đa số người dân không phục vụ trong quân đội. Trong khi kết hôn và sinh con là quyền tự do của công dân, thì thực tế 50 năm qua trên thế giới đã chỉ rõ: việc kết hôn và sinh con quyết định tương lai tồn vong của đất nước. Sau 32 năm TTSS thấp dưới TTSS thay thế ở Nhật Bản (1974 - 2006) và 16 năm chính phủ triển khai các chương trình hỗ trợ kết hôn và sinh con (1990 - 2006), năm 2006 Viện quốc gia Dân số và An ninh Xã hội Nhật Bản đã công bố dự báo: dân số đất nước sẽ giảm từ 128 triệu năm 2010, xuống 50 triệu vào năm 2100, 10 triệu vào năm 2200, 1 triệu vào năm 2350 và chỉ còn 62 người vào năm 3000.

Vì vậy đối với Việt Nam, bên cạnh khẳng định quyền tự do kết hôn và sinh con của công dân, chúng ta cần truyền thông sâu rộng và giáo dục từ phổ thông: để đất nước phát triển bền vững về con người, không có biện pháp nào thay thế được người Việt Nam phải kết hôn và sinh bình quân ít nhất 2,1 con trong mỗi gia đình. Giải pháp tiếp nhận người nhập cư để bù số lao động thiếu hụt như ở các nước Châu Âu, Châu Mỹ đã làm 50 năm qua sẽ là không khả thi sau 2055, vì sau 2034 TTSS thế giới thấp hơn TTSS thay thế, thế giới đã là hố đen dân số và sau 2055 suy thoái lao động toàn cầu. 

Một điều tra xã hội học gần đây ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nếu theo mong muốn của người lao động ở tuổi sinh sản thì số con bình quân một gia đình sẽ là 2,08, gần bằng TTSS thay thế. Đây là một tin rất vui, một lợi thế rất quan trọng của Việt Nam, so với xã hội Nhật Bản và nhiều nước khác hiện nay (Hàn Quốc, Singapore, các nước Châu Âu…), do truyền thống văn hóa coi trọng gia đình, coi trọng hạnh phúc gia đình khi có con của người Việt Nam. Tuy nhiên, các điều kiện về thu nhập, chi phí cuộc sống, về cho con đi học, nhà ở, việc làm… không cho phép họ thực hiện nguyện vọng đó. 

Thực tế TTSS hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 1,4. Nếu sự vênh giữa mong muốn có 2 con và điều kiện thực tế không thể có được 2 con mà hạnh phúc kéo dài khoảng 20 - 30 năm, thì như bài học của Nhật Bản đã chỉ ra, người trẻ sẽ từ bỏ mong muốn có gia đình và sinh 2 hoặc 1 con. Đó là đại họa cho đất nước. Vì vậy, vì lợi ích quốc gia, vì tồn vong của dân tộc, nhà nước phải xây dựng một Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam bền vững 2025 - 2045, để khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự cần thiết và các nguyên tắc đảm bảo đất nước phát triển bền vững về con người (về số lượng và chất lượng), xây dựng các chương trình của chính phủ hỗ trợ gia đình và trẻ em, xác định trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của các doanh nghiệp và các tổ chức để xã hội Việt Nam có môi trường chính trị, môi trường kinh tế, môi trường xã hội, môi trường văn hóa hợp lý, khuyến khích đại đa số công dân trẻ Việt Nam lập gia đình và mỗi gia đình bình quân có 2,1 con. 

Nếu làm được như vậy các gia đình Việt Nam sẽ là gia đình hạnh phúc với 2 hoặc 3 con, đồng thời họ hoàn thành nghĩa vụ công dân yêu nước, đóng góp cho đất nước Việt Nam phát triển bền vững về con người. Thực tế, một tỉ lệ nhỏ thanh niên khi trưởng thành không thể có điều kiện sức khỏe, tâm sinh lý để lập gia đình và có con như đại đa số người khác. Xã hội, chính phủ, chính quyền địa phương cần chia sẻ với họ, không tạo ra áp lực tâm lý, xã hội về việc kết hôn và sinh con của họ.

Việt Nam phấn đấu là nước thu nhập cao vào 2045. TTSS của Việt Nam dự báo sẽ giảm xuống dưới TTSS thay thế vào khoảng năm 2025 - 2027 và sau đó giảm tiếp, TTSS năm 2100 dự báo là khoảng 1,5 và Việt Nam sẽ đối diện nguy cơ tự tiêu vong sau 500 năm, HÌNH 6, nếu các chính sách hỗ trợ của chính phủ, sự tham gia của doanh nghiệp để phát triển bền vững con người Việt nam không có sự thay đổi. Tức là chúng ta còn khoảng 20 năm để đến thời điểm phải chịu hậu quả của thiếu lao động và để ban hành các chính sách đồng bộ mới, để người trẻ không mất niềm tin và không thay đổi quan niệm về gia đình và sinh con, dẫn đến phát triển không bền vững về con người. 

Nếu ngay bây giờ chúng ta xây dựng một Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam bền vững giai đoạn 2025 - 2045 thì Việt Nam có thể vừa đạt mục tiêu là nước thu nhập cao vào 2045, vừa đạt mục tiêu là quốc gia có nhân lực phát triển bền vững thời kì sau 2045 đến cuối thế kỉ 21. Không có một chiến lược phát triển con người Việt Nam bền vững như vậy bây giờ thì áp lực tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn tới suy thoái lao động và dân số, nguy cơ tự tiêu vong sau khoảng 500 năm luôn hiện hữu.

(Hết)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem