Tony Jaa sinh năm 1976 tại một làng quê nghèo trong rừng tại tỉnh Surin, Thái Lan, giáp biên giới Campuchia. Tuổi thơ của anh gắn liền với sông nước và những chú voi nhưng cũng chính nơi đây đã khơi gợi niềm đam mê võ thuật và cảm hứng cho các tác phẩm xuất sắc trong tương lai của anh.
Cũng như bao đứa trẻ khác, Tony Jaa yêu thích các bộ phim võ thuật Hong Kong qua những lần đi xem chiếu bóng tại sân đất chung của làng. Anh đặc biệt thần tượng Lý Tiểu Long và Thành Long, đồng thời nuôi mơ ước sẽ có một ngày trở thành ngôi sao võ thuật nổi danh như những thần tượng của mình.
Để thực hiện ước mơ đó, năm 10 tuổi, Tony Jaa tập tành quyền Muay cơ bản bất chấp sự phản đối của gia đình, vì gia cảnh khó khăn, thiếu thốn. 15 tuổi, Tony Jaa bắt đầu học quyền Thái và lân la tìm đến võ sư Phanna Rithikrai – người chuyên đóng thế các cảnh hành động trong phim điện ảnh Thái Lan.
Anh may mắn được thầy yêu quý và không tiếc công sức truyền dạy hết các thế võ Muay cổ truyền của người Thái. 17 tuổi, Jaa trúng tuyển vào Học viện thể dục nghệ thuật.
Tại đây, anh vừa đi học, vừa đi làm thêm tại trường quay của sư phụ Rithikrai và tham gia làm diễn viên đóng thế để kiếm tiền trang trải học phí và tiếp cận với nghệ thuật. Anh học thêm nhiều môn võ khác như Taekwondo, Aikido, Capoeira, Wu Shu, Karbi Krabong, múa kiếm và thậm chí học cả diễn xuất.
Trở thành “Lý Tiểu Long” của Thái Lan
Biết bản thân không có lợi thế về ngoại hình, Tony Jaa đã nghĩ ra một cách độc đáo để giới thiệu bản thân. Anh dành hết số tiền dành dụm được, đồng thời vay mượn thêm gia đình để quay một đoạn video giới thiệu màn biểu diễn những thế võ do chính anh sáng tạo ra.
Video đó đã khiến Tony Jaa lọt vào mắt xanh của đạo diễn Pranchya Pinakaew và tạo nên bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời anh.
Tony Jaa may mắn được đạo diễn Pranchya Pinakaew mời vào vai chính trong bộ phim Ong-Bak công chiếu năm 2004. Bộ phim sau đó trở thành cơn sốt tại Thái Lan với doanh thu kỷ lục, đồng thời còn lan tỏa sức nóng sang cả Hong Kong, Đài Loan và khu vực Bắc Mỹ.
Những pha hành động mạo hiểm, đẹp mắt của Tony Jaa trong phim khiến truyền thông quốc tế đem anh ra so sánh với Thành Long. Nhiều người cho rằng, dù nổi tiếng ưa mạo hiểm, nhưng Thành Long chưa chắc đã dám phóng người nhảy qua chiếc xe hơi, hay xoay hai vòng san-tô trên không rồi tung cú đá như Tony Jaa.
Màn trình diễn xuất sắc của Tony giúp anh một bước thành sao, trở thành ngôi sao võ thuật đầy triển vọng và thậm chí còn được tạp chí Entertainment Weekly của Mỹ bình chọn là “Nhân vật đáng chú ý nhất năm 2005”.
Thừa thắng xông lên, Tony Jaa tiếp tục tham gia hàng loạt bộ phim ăn khách sau đó như: The Protector, Tom Yum Goong, Ong-Bak 2, Ong-Bak 3… và còn xuất hiện đầy ấn tượng trong những bộ phim hành động Hong Kong mà nổi tiếng nhất phải kể đến Sát Phá Lang II.
Giới chuyên môn đánh giá, công thức thành công của Tony Jaa chính là sự mạo hiểm và sẵn sàng xả thân. Jaa luôn tự mình thực hiện tất cả các cảnh quay, không dây cáp, không người đóng thế, hạn chế tới mức tối đa công nghệ để mang đến cho khán giả những thước phim chân thực nhất.
Đặc biệt, những màn trình diễn võ thuật Muay chân thực và đậm chất văn hóa Thái Lan của Jaa trong các tác phẩm của anh, đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh, quảng bá văn hóa và võ thuật Thái Lan ra thế giới.
Hiện tại, không chỉ nổi danh khắp châu Á và luôn sánh vai với những tên tuổi lớn như Thành Long, Chân Tử Đan, Ngô Kinh… trong các tác phẩm điện ảnh, Tony Jaa còn hướng sự nghiệp của mình tới kinh đô điện ảnh Hollywood.
Năm 2015, sau màn trình diễn võ thuật đẹp mắt, các pha hành động nghẹt thở trong bom tấn Fast & Furious 7, Tony Jaa tiếp tục nâng tầm tên tuổi và chứng minh tài năng của mình trên trường quốc tể.
Người chồng yêu thương vợ con nhưng lại là đứa con bất hiếu
Tony Jaa chính thức kết hôn với người bạn gái lâu năm Piyarat năm 2012 và sau đó có với nhau một cô con gái. Anh luôn nổi tiếng vi sự yêu thương, chăm sóc vợ con.
Bất chấp công việc bận rộn, Tony Jaa luôn dành thời gian bên vợ con những lúc rảnh rỗi. Anh cũng thường xuyên đăng tải những khoảnh khắc ngọt ngào cùng những lời nói yêu thương với vợ.
Tuy nhiên, ngược lại với hình ảnh một người chồng mẫu mực đáng ngưỡng mộ, tên tuổi Tony Jaa cũng lại gắn liền với những tai tiếng về sự bất hiếu với cha mẹ, gia đình.
Năm 2012, Tony Jaa đã đấm em rể Tharat ngay tại đồn cảnh sát vì dám đổ lỗi cho người vợ mà anh hết sức yêu chiều, sau khi cả gia đình bao gồm vợ chồng Jaa, em rể Tharat và bố đẻ Jaa đưa nhau đến đồn cảnh sát vì một va chạm trước đó.
Sự việc đã khiến mối quan hệ thực sự giữa Tony Jaa và các thành viên trong gia đình trở nên bung bét và hai bên thường xuyên xảy ra tranh chấp.
Phía gia đình Jaa thì cho biết, họ chỉ muốn gặp mặt anh và muốn anh trở về thăm nơi chôn nhau cắt rốn. Trong khi đó, Jaa cho biết, họ gặp anh chỉ để vòi tiền.
Cuối năm 2012, bố đẻ Tony Jaa đột ngột qua đời ở tuổi 69 vì suy tim. Tuy nhiên, Tony Jaa khi đó đã hết sức nổi tiếng, lại chỉ xuất hiện chớp nhoáng khoảng 10 phút tại lễ tang với rất nhiều vệ sĩ đi cùng.
Anh thậm chí còn không nói một câu nào với các thành viên trong gia đình, kể cả mẹ mình. Anh cũng không mảy may quan tâm đến việc chôn cất cha mình vào ngày hôm sau.
Em gái Tony Jaa ngay sau đó chia sẻ rằng, gia đình đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ với ngôi sao võ thuật nổi tiếng vì “Anh ấy đã thay đổi rất nhiều và vô cùng lạnh lùng”.
Ngay sau những thông tin này, dư luận đều lên tiếng chỉ trích Tony Jaa là “nghiệt tử bất hiếu”. Tuy nhiên, anh lên tiếng phủ nhận và cho rằng, gia đình chỉ coi anh là một “cỗ máy in tiền” mà thôi.
Đến nay, khi tất cả những lùm xùm, tai tiếng đều đã lắng xuống, sự nghiệp của Tony Jaa vẫn tiếp tục thăng hoa và tên tuổi anh đã trở thành niềm tự hào của võ thuật Thái Lan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.