Thí sinh đang trình bày dự án trước ban giám khảo. (Ảnh: BTC cung cấp)
Ngày 21.10, hội đồng giám khảo cuộc thi Giải thưởng Chim Xanh (Bluebird Award) 2016 đã chọn được 10 sản phẩm xuất sắc nhất dự vòng chung kết. Các sản phẩm này hiện đang được cung cấp miễn phí trên App Store và Google Play cho người dùng tải về, sử dụng miễn phí.
Theo đó, sau buổi giới thiệu, trải nghiệm, đánh giá và phản biện chính thức giữa hội đồng chuyên gia và các thí sinh, 10 sản phẩm xuất sắc nhất đã được chọn từ 42 ứng dụng và trò chơi ở vòng trung loại, trong đó có 8 trò chơi (game) và 2 ứng dụng (app).
Danh sách10 sản phẩm lọt vào vòng chung kết.
Thời gian diễn ra vòng chung kết là từ ngày 21.10 đến ngày 24.12.2016, dự vào tiêu chí đánh giá xếp hạng là chỉ số người dùng tích cực (Active User) trên kho các ứng dụng.
So với Bluebird Award 2015, sự kiện năm nay không chỉ dành riêng cho lập trình trò chơi (game) mà đã mở rộng ra toàn bộ lĩnh vực ứng dụng trên di động. Hình thức thi cũng được đổi mới khi lần đầu tiên có sự tham gia tư vấn hỗ trợ, đồng hành và huấn luyện thí sinh của các chuyên gia tới từ Google và các studio, công ty lớn tại Việt Nam.
Bắt đầu khởi động từ 5.5.2016, ban tổ chức cuộc thi đã ghi nhận 200 sản phẩm đăng ký tham dự, trong đó có 188 sản phẩm hợp lệ đến từ 108 nhóm và 71 cá nhân. Trong số đông đảo các thí sinh tham gia, có những lập trình viên còn rất trẻ, đang học cấp 3 hoặc sinh viên các trường đại học. Nhiều gương mặt quen thuộc đã từng tham dự Bluebird Award 2015 cũng quay trở lại với những sản phẩm mới.
Một số game, ứng dụng tham gia cuộc thi.
“Cuộc thi là một cơ hội, kênh quảng bá truyền thông tốt cho sản phẩm hoàn toàn miễn phí. So với năm ngoái, lần này sự kiện đã được tổ chức tốt hơn, từ cách đưa sản phẩm ra trước hội đồng chuyên gia tới video tự giới thiệu sản phẩm. Mình không kỳ vọng nhiều về giải thưởng, chỉ mong game được biết đến rộng rãi, thêm người dùng và cơ hội đầu tư”, Lê Giang Nam, 24 tuổi, tác giả trò chơi Panda Warrior chia sẻ. Nam từng tham gia và đạt giải triển vọng Bluebird Award 2015.
“Những cuộc thi như thế này sẽ rất tốt cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam phát triển. Các buổi offline đều tổ chức trọn vẹn, tuy nhiên sẽ thành công thêm nữa nếu thí sinh và ban giảm khảo được kết nối nhiều hơn”, Trần Tấn Bình, thành viên của đội phát triển game Mysterious Stones cho biết.
Đánh giá về chất lượng các sản phẩm năm nay, ông Lê Giang Anh, thành viên của Hội đồng chuyên gia nhận định: “Cuộc thi năm nay chứng kiến nhiều sản phẩm sáng tạo, được đầu tư, có lối chơi mới lạ với nhiều sản phẩm tiềm năng, có thể đầu tư hay thương mại hóa ngay. Dù vậy, hầu hết các đội vẫn chưa chú ý tới trải nghiệm ban đầu của người chơi”.
Đại diện Ban tổ chức, ông Bùi Trường Sơn cho biết: “Ngoài việc chấm điểm cho các sản phẩm, ban giám khảo cũng đánh giá những cá nhân xuất sắc dựa trên nỗ lực và niềm đam mê theo đuổi công việc. Đây cũng là đối tượng mà các công ty, studio luôn tìm kiếm”.
Ông Nguyễn Thành Nam, sáng lập viên của Giải thưởng Chim Xanh cũng có những chia sẻ về tâm niệm khi tạo ra cuộc thi: “Hơn 800 làng nghề Việt Nam đã và đang tạo ra các sản phẩm chất lượng thế giới, làm nên thương hiệu Việt. Tôi mong muốn cộng đồng làm game, app cũng có thể phát triển theo mô hình làng nghề thủ công, để công việc này phổ biến tới mức ai cũng có thể thực hiện. Bây giờ chính là thời điểm cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam bứt phá”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.