Tốt nghiệp THPT: Nhiều thí sinh cậy nhờ “phao”

Thứ hai, ngày 04/06/2012 07:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 2 ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT 2012 (ngày 2 và 3.6) diễn ra với cả 3 môn xã hội nên nhiều thí sinh đã cầu cứu tới phao thi. Điều đó dẫn tới nơi coi chặt thì thí sinh chịu cứng, nhưng nhiều nơi vẫn thả lỏng...
Bình luận 0

Nhiều “chiêu” phòng thân

Sau ngày thi đầu tiên khá nhẹ nhàng với 2 môn văn học và hoá học, thí sinh bước vào ngày thi thứ hai với 2 môn xã hội được coi là khó “nhằn” nhất: Lịch sử và địa lý. Theo ghi nhận của NTNN tại nhiều Hội đồng thi trong cả nước, thí sinh đã liều cầu cứu đến “phao thi” cho 2 môn này.

img
Phao thi trắng đường đến Hội đồng thi THPT Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội).

Sáng 3.6, tại Hội đồng thi THPT Trí Đức (Hà Nội), một số thí sinh cho biết đã dùng “mánh khóe” viết tài liệu vào Atlat địa lý để qua mắt giám thị. Tại cổng Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), sau buổi thi địa lý, phao thi cũng được thí sinh vứt bừa bãi khắp đường về. Thí sinh Trần Trung Dũng cho biết: “Rất nhiều bạn mang phao vào phòng thi nhưng vì coi chặt nên không quay được”.

Mặc dù suốt buổi thi môn sử chiều 3.6, bên ngoài khu vực cổng Trường THPT Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) khá yên ắng và nghiêm túc, lực lượng công an và bảo vệ túc trực vòng trong, vòng ngoài, tuy nhiên vừa ra khỏi cổng trường, thí sinh đã rải phao thi khắp dọc đường về.

Thí sinh bị đình chỉ thi rất ít

Theo báo cáo nhanh của Bộ GDĐT ở ngày thi thứ 2, tỷ lệ thí sinh đến dự thi tiếp tục ổn định ở mức cao (99,24%), hệ THPT đạt tỷ lệ 99,86% (ngày 1 đạt 99,87%) và hệ giáo dục thường xuyên đạt 98,61% (ngày 1 đạt 98,60%). Tỷ lệ thí sinh không đến dự thi vẫn tiếp tục ở mức thấp: 0,76. Cả nước chỉ có 5 thí sinh hệ THPT bị đình chỉ thi và 7 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên bị đình chỉ thi. Tổng cộng sau 2 ngày thi, có 8 giám thị và 16 thí sinh bị đình chỉ thi.

Vừa móc một đống “ruột mèo” trong túi quần ra, thí sinh Nguyễn Thị Hương hồn nhiên nói: “Em quay được mỗi câu 1, còn lại thì “lệch tủ”, toàn ngồi bịa”.  Thí sinh Trần Thị Ngọc Dung tại hội đồng thi này cũng thành thật… khoe: “Các thầy coi dễ, chép thoải mái mà”.

Khi được hỏi có nhiều bạn mang phao vào phòng thi không, thí sinh này nói: “Sử, địa thì ai chẳng mang để phòng thân, quan trọng là có quay được hay không, em không biết các phòng khác thế nào chứ phòng em thì hầu như quay và chép được hết”.

Tại Nghệ An, các thanh tra đã phát hiện 4 thí sinh (tại 4 phòng thi khác nhau) ở Hội đồng thi Trường THPT Tương Dương mang tài liệu vào phòng thi và đã đình chỉ thi 4 thí sinh này.

Đoàn thanh tra cũng lập biên bản và đình chỉ nhiệm vụ 8 giám thị coi thi vì để thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Riêng môn thi địa lý sáng 3.6, có thêm 1 thí sinh bị đình chỉ thi tại THPT Quỳ Hợp 1, đưa tổng số thí sinh bị đình chỉ thi trong 4 môn là 5 thí sinh.

Nhiều thí sinh bị tai nạn

Để hạn chế tình trạng quay cóp trong ngày thi thứ 3, các tỉnh vẫn tiếp tục tăng cường an ninh. TP.Hải Phòng tiếp tục duy trì 3 đoàn thanh tra lưu động, tiến hành thanh tra tại các hội đồng thi. Trong 2 ngày thi, Đoàn thanh tra lưu động tại 21/55 hội đồng thi và phát hiện một giám thị tại Hội đồng thi THPT Đồ Sơn quên không viết ngày thi, môn thi, thời gian làm bài lên bảng nên và đoàn đã nhắc nhở.

Chiều 3.6, sau khi kết thúc bộ môn lịch sử, Hải Phòng có 41 thí sinh bỏ thi, trong đó có 4 trường hợp thí sinh có điểm bảo lưu môn học này và 1 thí sinh của Hội đồng thi THPT Lý Thường Kiệt bị tai nạn trước ngày thi. Đối với thí sinh bị tai nạn, do có học lực khá và hạnh kiểm tốt nên được Sở GDĐT Hải Phòng đặc cách miễn thi tốt nghiệp.

Tại An Giang, ngày thi thứ hai, ở hệ THPT vắng 14 thí sinh, trong đó có 1 thí sinh bị ốm. Đặc biệt, có 1 thí sinh bị tai nạn giao thông đã tử vong trước khi thi 3 ngày. Tại Thanh Hoá, chiều 3.6, ông Lê Văn Nguồn - Chánh văn phòng Sở GDĐT tỉnh Thanh Hoá cho biết, toàn tỉnh có 107 em bỏ thi. Trong đó, 22 học sinh ốm và vắng có lý do, còn lại 85 em vắng thi không rõ lý do. Tại điểm thi Trường THPT Tĩnh Gia 2, có hai học sinh bị tai nạn giao thông trong lúc đến phòng thi. Chỉ bị thương nhẹ nên 2 em vẫn tham gia thi được.

Đề thi hay và vừa sức

Theo nhận định của nhiều học sinh, môn sử không quá khó và không có nhiều câu hỏi liên quan đến mốc số liệu, ngày tháng của sự kiện nhưng để trình bày đủ cần khá nhiều ý. Theo phân tích của cô Đỗ Thu Quyên – giáo viên Trường THPT Hà Nội – Amsterdam: “Đề thi hay, kết hợp được 2 yếu tố biết và hiểu lịch sử. Nhìn chung đề thi vừa sức, nhưng để đạt được điểm 8 trở lên học sinh cần hiểu vấn đề và trình bày một cách thông minh”.

Với môn địa lý, theo giáo viên Lương Quỳnh Hoa - Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), đề thi năm nay có sự kết hợp giữa lý thuyết, thực hành và chương trình giảm tải, phù hợp với đa số học sinh, nhưng cũng rất khó đạt điểm 10. Đề năm nay đòi hỏi phải biết phân tích và tổng hợp, phải biết chọn lựa nội dung thích hợp với câu hỏi của đề bài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem