Nghe nói mức viện phí mới sẽ tăng cao, nhiều bệnh nhân nghèo lo sốt vó.
Chiều 15.8, chúng tôi đến khu vực đăng ký khám chữa bệnh của BV Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chứng kiến cảnh người bệnh đông đúc, chen chật như nêm cối. Ngồi ở góc hành lang bệnh viện, chị Nguyễn Thị Thuận (48 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ:
“Chồng tôi bị ung thư gan nằm viện cả năm nay. Nhà thì làm nông, không có tiền, nhưng vì chồng có bệnh hiểm nghèo thì phải vay mượn để vào đây chữa trị cho chồng”. Chị cho biết, ở quê chị tốn tiền thuốc men hết mười mấy triệu rồi nhưng bệnh của chồng vẫn chưa khỏi, giờ phải vào tận đây, cái gì cũng đắt mà viện phí lại sắp tăng không biết lấy tiền đâu chữa trị.
|
Người dân đóng viện phí tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). |
Tại BV Chợ Rẫy, cùng tâm trạng trên, bệnh nhân Nguyễn Nhật Anh (42 tuổi, ở TP. Vũng Tàu) cho biết: “Tôi bị suy thận mãn, mỗi tháng phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận 10 lần. Nhờ có BHYT nên chỉ đóng 20%, nhưng cũng lên tới gần 2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền đi lại, ăn ở… Giờ nghe nói viện phí sắp tăng mà mất ăn, mất ngủ, không biết mình có đủ khả năng tiếp tục chạy thận nữa không?”.
PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế đã làm việc với Bảo hiểm xã hội TP.HCM bàn về việc điều chỉnh giá viện phí mới tăng từ 70-80% so với khung giá trước đây sao cho hợp lý với từng hạng BV. Dự kiến cuối tháng 8 này, các BV trên địa bàn TP.HCM hoàn tất việc xây dựng khung giá mới và Sở Y tế TP.HCM sẽ trình HĐND thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, thời gian áp dụng giá viện phí mới còn tùy từng BV, bởi các BV phải chuẩn bị để tăng giá.
Theo bà Đinh Thị Liễu - Trưởng phòng Tài chính Kế toán (Sở Y tế TP.HCM), trừ BV Răng Hàm Mặt T.Ư, Thống Nhất, Chợ Rẫy trực thuộc Bộ Y tế, các BV còn lại tại TP.HCM đều đã xây dựng xong khung giá viện phí chờ HĐND thành phố phê duyệt vào kỳ họp đầu tháng 10, từ đó mới quyết định thời điểm chính thức áp dụng.
Việc quyết mức viện phí nào đang là bài toán nan giải cho các cơ quan chức năng ở TP.HCM, vì nếu tăng giá BHYT hoặc BHXH giảm chi thì đều dẫn đến người bệnh chịu thiệt, hoặc sẽ tạo áp lực cho các bác sĩ trong chỉ định điều trị.
Trọng Mạnh – Linh Đan
Vui lòng nhập nội dung bình luận.