TP Thanh Hóa: Hỗ trợ con giống giúp nông dân thoát nghèo

Thùy Anh Thứ tư, ngày 20/12/2023 09:32 AM (GMT+7)
Nâng cao năng lực cho người nghèo thông qua phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ giống, cây con là cách làm hay mà TP Thanh Hóa đang làm nhằm giúp nhiều hộ nghèo đô thị thoát nghèo thành công.
Bình luận 0

Nông dân nghèo phấn khởi vì được hỗ trợ giống

10 năm về trước, gia đình bà Nguyễn Thị Loan (61 tuổi) thôn Vĩnh Trị 3 (Hoằng Quang, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là hộ nghèo cùng cực. Nhà có tới 7 miệng ăn nhưng chỉ vỏn vẹn có 4 sào ruộng. Đó là chưa kể 2 người con gái của ông bà thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Cô thì mắc bệnh hiểm nghèo, sớm qua đời, cô thì mắc bệnh tâm thần phải điều trị cả đời.

Nhớ lại ngày ấy bà Loan không khỏi ngậm ngùi, rơi nước mắt: “Ngày ấy cả nhà gần chục người sống trong căn nhà cấp 4 2 gian ọp ẹp, xiêu vẹo. Nhà thấp, cạnh sông Nguyệt Viên nên năm nào nước lũ tràn về là nhà cập gần tới nóc, các con ốm, vợ chồng tôi lội nước bế con, bế mẹ già lên thuyền chèo đi gửi nhờ hàng xóm các nơi”.

Nghèo đói cứ đeo bám mãi, cho tới năm 2016, khi vợ chồng bà Loan được hội nông dân xã tạo điều kiện cấp cho 70 con gà giống đông tảo lai chọi. Không những thế người con trai đi học cũng được tạo điều kiện vay vốn học sinh, sinh viên để đi học.

“Chúng tôi không chỉ được cấp giống gà miễn phí mà còn được hỗ trợ, thức ăn, thuốc men và hỗ trợ kỹ thuật để chăn nuôi, bởi vậy mà đàn gà sinh trưởng tốt. 100% số gà sống và tăng trọng tới ngày bán”, bà Loan nói.

TP Thanh Hóa

Ông Lưu Văn Quế - Chủ tịch hội Nông dân xã Hoằng Quang thăm gia đình hộ mới thoát nghèo - bà Nguyễn Thị Nhâm. Ảnh: Nguyệt Tạ

Sau 1 năm chăn nuôi đàn gà, bà Loan đem bán thu về được chút ít tiền và lấy đó đầu tư làm ăn. Kinh tế dần vơi bớt khó khăn, đứa con trai út cũng học xong và có việc làm. Cách đây 3 năm gia đình bà thoát khỏi hộ nghèo. Từ số tiền tích cóp được khi làm ăn, cộng với số tiền được hỗ trợ đền bù lấy đất làm cầu, gia đình bà Loan đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang.

Tương tự, cùng từng là hộ nghèo cùng cực gia đình bà Nguyễn Thị Nhâm (65 tuổi), thôn Vĩnh Trị 2, xã Hoằng Quang cũng từng rơi vào cảnh bần hàn. Nhà cửa tạm bợ, hai vợ chồng bà nuôi 2 người con ăn học nhưng chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng. Cũng may bà được cán bộ thôn, xã hỗ trợ cho giống gà nuôi. Nhờ vậy sau 2 năm, kinh tế gia đình bà đã đi lên. Hiện nay, 2 con bà đã có công ăn việc làm ổn định, bà cũng xây được ngôi nhà bằng 50m khang trang.

Bà Nhâm, bà Loan là 2 trong số nhiều hộ mới thoát nghèo được xem xét để nhận dự án hỗ trợ bò giống từ chương trình Hỗ trợ phát triển sinh kế cho người nghèo trong giai đoạn mới đây.

Ông Lưu Văn Quế Quế – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoằng Quang cho biết, nhờ có dự án hỗ trợ sinh kế, tặng giống gà cho bà con mà 60 hộ nghèo trên địa bàn xã đã xây dựng kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững. Nhờ vậy, đến nay toàn xã Hoằng Quang chỉ còn 12 hộ nghèo; 33 cận nghèo hộ thoát nghèo 22 hộ.

Cũng theo ông Quế thời gian tới Hội nông dân xã phối hợp với Phòng LĐTBXH; phòng Kinh tế của UBND TP Thanh Hóa triển khai mô hình sinh kế hỗ trợ người nghèo. Theo đó, địa phương đăng ký mô hình trao giống bò sinh sản cho hộ nghèo.

 Tiếp tục đầu tư xây dựng mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững

Ông Nguyễn Đức Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân TP Thanh Hóa cho biết giai đoạn trước Hội Nông dân TP cũng thực hiện nhiều dự án hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình Giảm nghèo quốc gia thành phố thực hiện 2 dự án nuôi bò sinh sản cho hội viên nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và dự án nuôi gà lai chọi cho nông dân trên địa bàn xã Hoằng Cát và xã Hoằng Quang.

Giai đoạn này (2021-2025) TP giao phòng Kinh tế; phòng LĐTBXH và Hội Nông dân tiếp tục triển khai các mô hình hỗ trợ giống gà, giống bò cho các hộ nghèo.

Chia sẻ về tiến độ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sinh kế giảm nghèo, ông Hòa cho biết 2 năm qua nguồn vốn chưa được phân bổ. Năm 2023 phân bổ vốn vào cuối năm nên đến thời điểm này các địa phương mới bắt đầu triển khai.

giảm nghèo tp thanh hóa

Bà Nguyễn Thị Loan dù thoát nghèo nhưng vẫn mong được hỗ trợ giống gà hoặc bò để chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyệt Tạ

Sau khi có hướng dẫn của thành phố, hội đã tổ chức khảo sát các hộ nghèo tại 10 phường xã trên địa bàn thành phố. Sau khảo sát có 5/10 phường xã không có khả năng thực hiện do đa số hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo không còn khả năng lao động. Còn lại 5 phường xã hiện đã lập danh sách, tổ chức họp triển khai thực hiện mô hình tại các thôn, phố (2 đơn vị đã lập danh sách: Đông Lĩnh, Quảng Đông)

Tuy thực hiện quyết liệt, nhưng đến nay do nguồn vốn tập trung của 2 năm khá lớn (trên 3 tỷ đồng) trong khi từ năm 2021 đến nay số lượng hộ nghèo, cận nghèo của thành phố giảm mạnh nên không đủ hộ để rải ngân hết nguồn vốn được phân bổ. Mặt khác, cũng chưa có quy định về quay vòng vốn, khó khăn trong triển khai hỗ trợ nên tiến độ chậm.

 “Chúng tôi đề nghị sớm ban hành quy định về quay vòng vốn và mở rộng bình xét để thêm các hộ khó khăn được nhận hỗ trợ. Đề nghị có hỗ trợ đối với các đối tượng tham gia phát triển sản xuất các ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để hộ nghèo thoát nghèo bền vững hơn”, ông Hòa kiến nghị thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem