TP.HCM: Bất lực di dời các hộ nuôi heo gây ô nhiễm, xả thải vô tư

Trần Cửu Long Thứ hai, ngày 13/05/2019 18:30 PM (GMT+7)
Ngay từ năm 2016, UBND TP đã chỉ đạo Sở NNPTNT, Sở TN-MT kiểm tra, hướng dẫn UBND huyện Bình Chánh gấp rút di dời các hộ chăn nuôi heo gây ô nhiễm về vùng chăn nuôi tập trung, nhất là tại 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B. Thế nhưng đến nay, việc di dời gần như dậm chân tại chỗ.
Bình luận 0

Theo ghi nhận của PV, hiện vùng chăn nuôi heo tại 2 xã này không những không giảm các hộ chăn nuôi heo xen kẽ trong khu dân cư mà còn gia tăng.

img

Chính quyền huyện Bình Chánh từng mạnh tay giải tỏa, di dời các hộ nuôi heo gây ô nhiễm môi trường.

Theo Trạm Chăn nuôi - Thú y Bình Chánh - Bình Tân, hiện huyện Bình Chánh có 574 hộ chăn nuôi với hơn 48.360 con heo. Trong đó, có 159 hộ chăn nuôi ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B với hơn 14.200 con heo.

Điều kiện chăn nuôi của những hộ chăn heo ở đây không đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều hộ chăn nuôi xả chất thải ra trực tiếp môi trường.

Ngoài ra, do đa số những hộ chăn nuôi heo đều sử dụng cơm thừa trong các cửa hàng ăn uống, nhà hàng… nên đàn heo có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi.

Thông tin từ UBND huyện Bình Chánh cho thấy, từ năm 2016, huyện đã lập đoàn kiểm tra, làm việc với các hộ dân nuôi heo gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện.

Trong quá trình chăn nuôi, các hộ dân ở đây đã gây ô nhiễm về môi trường đất, nước, khí thải cho khu vực này. Các hộ này trước đó đã nhiều lần bị nhắc nhở, xử lý do chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

img

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng (người thứ ba từ phải sang) kiểm tra một hộ nuôi heo trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, năm 2016, UBND TPHCM yêu cầu UBND huyện Bình Chánh phải xử lý, di dời dứt điểm các trại nuôi heo gây ô nhiễm trên địa bàn. Thời gian đầu, huyện cắt cử cán bộ môi trường phối hợp với các xã vận động chủ trại nuôi heo di dời, xử lý vi phạm, thậm chí cưỡng chế di dời như vụ mạnh tay giải tỏa, di dời 37 hộ dân nuôi heo gây ô nhiễm môi trường tại xã Vĩnh Lộc A.

Tuy nhiên, về sau các giải pháp yếu dần. Đến nay, tại xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B còn hơn 150 hộ chăn nuôi heo, hoạt động gây ô nhiễm, toàn bộ nước thải gần như xả thẳng ra kênh, trong khi năm 2016 chỉ có vài chục hộ.

Ông Võ Trường Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay trên địa bàn xã là kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường.

“Biện pháp chế tài, tính răn đe của Nghị định 155 (về xử lý sai phạm trong môi trường) chưa cao, nên việc xử lý những sai phạm chưa thực sự đạt hiệu quả”, ông Thành cho biết.

Ngoài ra, cũng do thẩm quyền xử lý của địa phương còn hạn chế. Các quy định về xử lý cơ sở, hộ kinh doanh - chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường còn nhiều kẽ hở, chưa sát với thực tế.

Hiện, 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B chưa được công nhận là xã nông thôn mới do chưa hoàn thành tiêu chí môi trường.

Huyện Bình Chánh cũng đang thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch giai đoạn 2016 - 2020” theo khuyến nghị của Văn phòng Điều phôí nông thôn mới Trung ương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem