Tại hội nghị Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới do Sở GDĐT TP.HCM tổ chức hôm nay (29/11), ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, trước khi chọn sách giáo khoa (SGK) cho học sinh lớp 1 trong năm học 2020 – 2021, giáo viên phải đọc qua hết các bộ sách đã được Bộ GDĐT công bố.
Sau đó, trên cân nhắc về sự phù hợp văn phong, hình ảnh, tranh vẽ… phù hợp với điều kiện từng vùng miền, giáo viên tham mưu cho hiệu trưởng nhà trường cùng chọn sách.
Cũng theo ông Hiếu, tất cả các đầu SGK đã được bộ thẩm định và phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để triển khai trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, để lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của từng trường thì hiệu trưởng phải cân nhắc, tham khảo ý kiến của tập thể giáo viên cũng như là theo hướng dẫn về lựa chọn SGK.
Các trường phải mua hết 32 bộ SGK vừa công bố để đưa vào tủ sách dùng chung?
Ngoài ra, việc chọn bộ sách nào để đưa vào giảng dạy không hẳn là cơ sở để kiểm tra, đánh giá học sinh. Thay vào đó, giáo viên phải dựa trên hướng phát triển năng lực của học sinh, có thể thay thế các nội dung khác cho phù hợp.
Về những khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Hiếu cho rằng nhiều quận, huyện gặp khó vì số lượng học sinh quá đông, sĩ số học sinh nhiều nơi vượt mức 35 em/lớp, trong khi giáo viên nhiều môn thiếu trầm trọng.
Trong khi đó, chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai. Cụ thể, từ năm học 2020 - 2021 sẽ triển khai ở lớp 1, sau đó tiếp tục thực hiện cuốn chiếu từ các năm học tiếp theo với lớp 2, lớp 3… Hiện nay, các phòng Giáo dục tại TP.HCM đã có kế hoạch triển khai chương trình này.
Về cơ sở vật chất, vì thời gian gấp rút nên không còn điều kiện để đầu tư thêm nhiều nữa. Trong khi, một số quận huyện, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp đến mức, vị lãnh đạo Sở GDĐT cho rằng, rất khó để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Một lớp học 45 - 50 em thì không thể nào chuyển tải được lượng kiến thức mới đến cho các em được!”, ông Hiếu trăn trở.
Tình trạng lớp học đông, thiếu phòng học, thiếu giáo viên... là "điểm nghẽn" trong việc triển khai chương trình GDPT mới ở TP.HCM.
Phát biểu tại hội nghị, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GDĐT quận 12 cho biết, để đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho học sinh lớp 1 trong năm học tới, quận này cần bổ sung thêm 189 phòng học. Đây là điều rất khó thực hiện được.
Ngoài ra, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở quận 12 chỉ đạt tỉ lệ khoảng 20%. Còn về đội ngũ giáo viên, tình trạng thiếu trầm trọng vẫn chưa được cải thiện khi năm học 2019 - 2020, quận cần tuyển 11 giáo viên nhưng chỉ có 3 ứng viên trúng tuyển. Một người sau đó không nhận nhiệm sở.
Tại huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GDĐT huyện thông tin, địa phương hiện có gần 10.500 học sinh lớp 1, tổ chức thành 286 lớp. Tỉ lệ bình quân giữa các xã mới đạt mức 182 phòng học/10.000 dân, trong đó một số xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B áp lực tăng dân số cơ học cao nên chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày.
“Muốn đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp và tăng tỉ lệ học 2 buổi/ngày là rất khó”, vị này nhận định.
Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1, sau đó tiếp tục thực hiện cuốn chiếu ở các năm học sau với các khối lớp 2, lớp 3…
Đây là chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở, bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học, chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.