TP.HCM cải cách hành chính: Lòng vòng trong chính nội bộ các sở ngành

Bạch Dương Thứ năm, ngày 04/08/2022 14:29 PM (GMT+7)
Ngày 4/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp định kỳ về kinh tế - xã hội trên địa bàn 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 8/2022.
Bình luận 0
TP.HCM cải cách hành chính: Lòng vòng trong chính nội bộ các sở ngành - Ảnh 1.

Cuộc họp kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022 ngày 4/8. Ảnh: HMC

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện chưa hiệu quả, còn nhiều việc phải bàn.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho rằng cần tháo gỡ quy trình phối hợp nội bộ giữa các sở, ngành dù quy trình cải cách hành chính, công nghệ đã có đầy đủ.

"Chất lượng tham gia ý kiến cần phải nâng lên, chứ hiện nay có tình trạng sở ngành trả lời xong vẫn rất khó để tham mưu UBND TP.HCM", ông Lâm đề nghị để không phải quay đi quay lại hỏi ý kiến.

Tương tự, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho rằng muốn giải quyết nhanh hồ sơ thì cần tăng trách nhiệm của các sở chuyên ngành. "Hiện nay chúng ta hỏi ý kiến rất nhiều, chúng tôi cũng phải trả lời các sở khác. Việc này rất mất thời gian", ông Vũ nói, đồng thời đề xuất Thường trực UBND TP.HCM cho chủ trương một lần rồi thực hiện.

Giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết dù ngân sách đã được giao nhưng không có chủ trương thì không thể sử dụng, không triển khai được. Chưa kể, khi hỏi ý kiến các sở ngành khác mà chậm trả lời cũng không làm được.

"TP.HCM đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thì hồ sơ phải giải quyết nhanh và kịp thời. Trong quy trình xử lý nội bộ phải chuẩn bị tương thích với chủ trương để đáp ứng yêu cầu của người dân", ông Vũ nói về việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết hồ sơ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, để giải quyết điểm nghẽn về thủ tục hành chính, nơi nào thiếu quy trình, phương tiện thực hiện sẽ được bổ sung. Đơn vị nào vướng mắc ở con người sẽ thực hiện nhắc nhở, điều chỉnh hoặc những biện pháp khác.

"Ngoài khối lượng công việc lớn tăng sau dịch, những người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần xem lại tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn giải quyết công việc ở từng nơi", ông Mãi đề nghị.

Ông cũng đề nghị Sở Thông tin - truyền thông tiếp tục hoàn thiện và triển khai ứng dụng theo dõi việc xử lý phản ánh kiến nghị của người dân. Sau khi đi vào hoạt động, các sở, ngành đều phải tham gia ứng dụng này theo quy định chung.

TP.HCM cải cách hành chính: Lòng vòng trong chính nội bộ các sở ngành - Ảnh 3.

Gám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ. Ảnh: HMC

"Ứng dụng làm không phải chỉ cho đẹp hay để chơi, mà phục vụ mục đích quản lý, điều hành TP.HCM khoa học, hiệu quả hơn. Các sở, ngành đều bắt buộc tham gia theo quy định chung và phải mang lại hiệu quả từ cấp quản lý cho đến người dân", ông Mãi nhấn mạnh.

Quy hoạch TP đã lạc hậu

Báo cáo về công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết quy hoạch của địa phương đã được phủ kín từ những năm 2012-2013, dựa trên quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2010.

Tuy nhiên, quy hoạch này được xây dựng cách đây hơn 10 năm, có sự khác biệt về hoàn cảnh, nhận thức, trình độ phát triển so với thời điểm hiện tại. Những khác biệt này hiện nay đang thể hiện rõ nhiều bất cập, lạc hậu.

Điển hình như bất cập về chức năng sử dụng đất. Do đất công không thể đủ cho tất cả chức năng đô thị như công viên, trường học, không gian công cộng nên một số công trình buộc phải quy hoạch vào phần đất của người dân.

Bất cập tiếp theo liên quan đến quan điểm phát triển đô thị thời điểm hình thành quy hoạch chung so với hiện nay. Thời điểm đó, TP.HCM phát triển đô thị theo hướng thận trọng, chưa dám bung tỏa, đầu tư mạnh hay có các dự án đột phá ra khu vực ven thành phố.

Việc lập quy hoạch vẫn dựa vào ranh từng quận, huyện, mang tính co cụm từng địa phương, cục bộ, phân bố hạ tầng kỹ thuật theo chỉ tiêu. Do đó, các quận nội thành tập trung phát triển đô thị, các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ vẫn là mảng xanh, chưa có sự đầu tư phát triển dựa vào thế mạnh.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, công tác lập quy hoạch TP giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2015 thì điều chỉnh quy hoạch chung còn chậm, chưa đạt tiến độ. Dự kiến đến tháng 10/2023, Sở Quy hoạch và Kiến trúc sẽ trình UBND TP phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM. Sau đó, phương án này sẽ cần gửi tới Bộ Xây dựng để xin ý kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem