TP.HCM: Chi tiền tỷ dỡ thuỷ đài 'khủng' tránh gây nguy hiểm cho dân

Thanh Tuấn Thứ hai, ngày 12/06/2017 16:34 PM (GMT+7)
Thủy đài với mảng bê tông khổng lồ mang hình chiếc phễu nằm cạnh khu dân cư đông người. Sắp tới đây 7 thủy đài sẽ được tháo dỡ theo chủ trương của UBND TP.HCM. Người dân lo ngại việc này có thể gây nguy hiểm đến họ, tuy nhiên cơ quan chức năng đang tính toán các phương án an toàn.
Bình luận 0

Ngày 12.6, trao đổi với Dân Việt, ông Trần Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, UBND TP.HCM vừa mới giao cho Sawaco tháo dỡ 7 thủy đài trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên Sawaco được giao công việc này, để đảm bảo an toàn, không gây nguy hiểm cho người dân, phương án tháo dỡ sẽ được trình lên Sở GTVT và Sở Xây dựng để thẩm tra.  

img

Thủy đài trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận sát nách nhà dân. Ảnh: T.Tuấn 

Theo ông Minh, phương án nổ mìn để tháo dỡ nhanh chóng không được tính tới vì lo ngại ảnh hưởng người dân sống xung quanh, các công trình lân cận. Thay vào đó, đơn vị thi công sẽ cho khoảng 20 công nhân leo lên đỉnh “đốn hạ” từng phần của thủy đài.

Dự kiến phải mất tới gần 3 tháng mới tháo dỡ xong một thủy đài. Công nhân chủ yếu dùng búa, khoan cắt từng mảng bê tông rồi hạ xuống phía bên trong trụ thủy đài. Ước tính chi phí phá dỡ một thủy đài gần 500 triệu đồng, tùy từng cái lớn nhỏ.

Lường trước việc tháo dỡ sẽ gặp khó khăn, UBND TP.HCM yêu cầu làm thí điểm trước một cái, sau khi thấy khả thi, rút kinh nghiệm thì tiếp tục với các thủy đài còn lại. Sawaco và đơn vị thi công dự tính tháo chiếc thủy đài trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh đầu tiên.

img

Phá bỏ cả mảng bê tông khổng lồ này phải mất gần 3 tháng. Ảnh: T.Tuấn 

“Trên địa bàn thành phố có tổng cộng 8 thủy đài, công ty cấp nước Sài Gòn xin UBND cho giữ lại duy nhất một thủy đài được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Thủy đài này được xây vào những năm 1930, có kiến trúc vững chắc, là hình ảnh quen thuộc trong tâm trí của người dân Sài Gòn”, ông Minh nói.

img

Thủy đài từ thời Pháp thuộc được giữ lại làm biểu tượng. Ảnh: T.Tuấn 

Sau khi "đốn hạ” thủy đài xong, phần diện tích đất trống được dùng để xây dựng trạm bơm tăng áp, nhằm tăng áp lực nước cho khu dân cư và hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Theo tìm hiểu, 7 thủy đài bị phá được xây dựng từ những năm trước 1975. Qua thời gian, các thủy đài có biểu hiện xuống cấp, người dân lo mảng bê tông sẽ đổ ập xuống nhà của họ.

Công ty cấp nước Sài Gòn trước đây cũng từng có ý định cải tạo, sửa chữa lại các thủy đài để chứa nước. Tuy nhiên, chuyên gia khảo sát thấy kết cấu thủy đài không bền vững, “dự án” không thực hiện.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem