TP.HCM có phải là đô thị ô nhiễm nhất nước?

Khải Huyền Thứ hai, ngày 09/12/2019 13:43 PM (GMT+7)
TP.HCM có phải là đô thị ô nhiễm nhất nước, nếu xảy ra ô nhiễm, đâu là giải pháp của Sở TNMT hay việc xử lý rác thải có đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường,… là những vấn đề làm nóng phiên chất vấn Giám đốc Sở TNMT TP.HCM tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM Khóa IX diễn ra sáng nay (9/12).
Bình luận 0

Đặt câu hỏi với Giám đốc Sở TNMT TP.HCM, đại biểu Nguyễn Hữu Trí nêu vấn đề, TP.HCM có phải là một trong những thành phố ô nhiễm nhất cả nước và khu vực hay không, đánh giá chất lượng không khí, nguồn nước như thế nào?

“Nếu xảy ra vấn đề ô nhiễm không khí hoặc chất lượng nguồn nước thì Sở TNMT có giải pháp nào để phối hợp với các ban ngành khác thông tin kịp thời và khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe?”, đại biểu Trí nêu câu hỏi.

Trong phần trả lời, Giám đốc sở TNMT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, TP hiện có trên 327 điểm đặt trạm quan trắc môi trường nhưng thực hiện bằng phương pháp thủ công. Riêng các trạm tự động đã đưa vào 6/58 trạm, đo các chỉ số không khí, nguồn nước, đất…

Kết quả thông tin đo đạt được công khai trên 48 bảng thông tin tại các nút giao thông, website của sở TNMT TP. Trên cơ sở này, Sở TNMT đưa ra cảnh báo, phối hợp với sở Y tế để khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe.

img

Nhiều đại biểu HĐND TP.HCM khóa IX lo lắng vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại TP.HCM xảy ra gần đây. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận do có ít trạm quan trắc tự động ít nên thời gian công bố lệch với chất lượng không khí hiện tại. Vấn đề này sẽ được giải quyết khí sắp tới bổ sung đầu tư các trạm quan trắc tự động.

Theo ông Thắng, dự kiến cuối năm 2020 và 2021 sẽ đầu tư thêm khoảng 50 trạm quan trắc tự động từ không khí, nước và sụt lún để phối hợp với các ngành đưa ra giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường. Trong đó, cấp bách cần kiểm soát khí thải từ hơn 800.000 xe ô tô và 8 triệu xe gắn máy trên địa bàn thành phố.

Về ô nhiễm môi trường, ông Thắng cho rằng, lượng phương tiện giao thông vô cùng lớn đang hoạt động tại TP.HCM cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm.

Vấn đề đốt rác cũng được nhiều đại biểu quan tâm tại buổi chất vấn Giám đốc Sở TNMT TP.HCM.  

Hiện TP có 9.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày nhưng mới có 1 nhà máy thì đến năm 2020 thì TP đủ khả năng xử lý 50% rác thải để biến thành điện năng hay không, và khi biến rác thành điện năng, tạo ra khí thải, xử lý thế nào để tránh chuyển từ ô nhiễm rác sang ô nhiễm khói thải?

Cũng vấn đề này, đại biểu Lê Minh Quang cho rằng, trong báo cáo của UBND năm 2019, chi cho bảo vệ môi trường chỉ đạt 89,23%. Vậy sở gặp khó khăn gì khi không thể hoàn thành dự toán, hướng xử lý như thế nào? Trước đây, TP cam kết năm 2020 giảm tỉ lệ chôn lấp xuống dưới 50%. Hiện TP đang ở tỉ lệ bao nhiêu và có giảm được tỉ lệ như đã cam kết không?

img

Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở TNMT TP.HCM cho biết, hiện đốt rác không phát điện chiếm 21%, đốt rác phát điện chiếm 16%, tức là cần hơn 34% nữa để đạt 50% lượt rác được đốt phát điện. TP có thêm hai nhà máy rác khởi công từ tháng 10 và cuối năm 2020 sẽ đi vào hoạt động là Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa, dự kiến mỗi nhà máy xử lý được 4.000 tấn. Thêm nữa, nhà máy xử lý rác Fasco sắp khởi công cũng xử lý 4.500 tấn/ngày. Như vậy, lộ trình sẽ đảm bảo, nếu lệch 1-2 tháng thì cũng mong HĐND thông cảm.

Riêng về vấn đề ô nhiễm không khí khi chuyển sang đốt rác, đại diện Sở cho biết trình tự chuyển đổi công nghệ rất chặt chẽ, phải qua Sở KHCN giám sát máy móc và có đề án đánh giá tác động môi trường hàng quý hàng năm để đảm bảo.

“Việc đốt rác được thực hiện trong môi trường kín và nhiệt độ trên 800 độ C nên không còn khí ô nhiễm như các đại biểu lo lắng”, ông Thắng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem