Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, ngày 2/7, tổng lượng hàng hóa thiết yếu về hai chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức đạt 4.731 tấn, tăng 3% so hôm trước. Hôm qua, lượng rau củ quả, thịt cá, trái cây về hai chợ này tiếp tục tăng thêm 5,4%, tổng cộng gần 5.000 tấn.
Tại chợ đầu mối Thủ Đức, tổng lượng hàng về chợ là 3.197 tấn, tăng 8,4%. Đáng chú ý, rau củ quả tăng đến gần 14%, đạt 1.954 tấn.
Chợ Bình Điền có tổng lượng hàng về khoảng 1.723 tấn tăng 2,9%, trong đó thủy hải sản đạt 564 tấn tăng 3%, thịt gia súc 176,4 tấn tăng 3%.
Dù chợ đầu mối Hóc Môn đã ngưng hoạt động nhưng lò giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cung ứng hàng ra thị trường khoảng 907 con/đêm, tương đương 68 tấn thịt.
Lượng hàng các loại về chợ đầu mối tại TP.HCM tăng khá khiến góp phần làm hạ nhiệt giá một số mặt hàng, đặc biệt là rau xanh.
Tại chợ đầu mối Thủ Đức, giá bí đao còn 12.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg), bầu 10.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg). Còn tại chợ đầu mối Bình Điền, xà lách Đà Lạt và chanh giảm 5.000 đồng/kg. Tôm thẻ giảm đến 50.000 đồng/kg, chỉ còn 190.000 đồng/kg; mực ống Phú Quốc giảm 5.000 đồng/kg, còn 175.000 đồng/kg. Giá thịt heo, thịt gia cầm ổn định.
Tại các chợ truyền thống, giá thịt heo, thịt gà vẫn ổn định, một số loại rau củ quả cũng có phần hạ nhiệt, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy nơi do giá mua vào tại chợ đầu mối giảm.
Chợ, siêu thị cuối tuần khá đông
Ghi nhận của Dân Việt vào hai ngày cuối tuần, ngày 3 và sáng 4/7 cho thấy, sức mua hàng hóa tại các chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP.HCM khá cao so với ngày thường. Người dân mua rau củ quả, thịt cá và một số mặt hàng thiết yếu khác nhiều hơn để dành dùng cả tuần.
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), lượng người ra vào chợ tăng, tập trung nhiều nhất vào nhóm hàng nhu yếu phẩm. Cửa hàng Bách Hóa Xanh gần chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) nhộn nhịp người, mua rau củ quả nhiều nhất. Nhân viên liên tục thêm hàng lên quầy kệ để đáp ứng nhu cầu.
Tại siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), nhiều người xếp hàng chờ thanh toán. Do mua nhiều hàng, hóa đơn lên đến cả triệu đồng nên trung bình mỗi khách phải chờ khoảng 15 phút. Một góc siêu thị, các tài xế đang xếp hàng hóa để giao cho khách đặt hàng online, đặt hàng qua điện thoại.
Thống kê của Sở Công Thương TP.HCM cũng cho thấy, tại hệ thống chợ và siêu thị, sức mua tăng đến 20% so với ngày thường.
Dù lượng khách hàng mua sắm đông, nhưng ghi nhận cho thấy các chợ truyền thống lẫn siêu thị đều đảm bảo giãn cách, nhất là tại khu vực quầy thu ngân, khách hàng chủ động đứng cách nhau từ 1,5-2mét. Trước khi vào chợ và siêu thị, người dân được yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt.
Tính đến chiều 2/7, TP.HCM có tổng cộng 104 chợt truyền thống, 1 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động do liên quan các ca mắc Covid-19 hoặc không đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Ngoài ra, còn có 65 siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm đóng cửa, hôm 2/7, đã có 3 siêu thị và 5 cửa hàng mở bán trở lại.
Hôm qua, ngày 3/7, Sở Công Thương đã đi kiểm tra 6 quận, huyện để kiểm tra các tiêu chí an toàn hoạt động trong phòng chống dịch tại hệ thống chợ truyền thống và các chợ đang dừng hoạt động nhằm đôn đốc khắc phục các tiêu chí không đảm bảo an toàn và sớm đưa các chợ mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm cho người dân.
Đồng thời, thực hiện giải pháp đảm bảo việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa được liên tục, không gián đoạn và an toàn phòng, chống dịch, đảm bảo nguồn hàng đi về từ các chợ đầu mối, Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản về đăng ký các phương tiện vận tải hàng hóa qua địa bàn giáp ranh TP.HCM và Tây Ninh, triển khai đến UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện và các chợ đầu mối.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.