TP.HCM: Đề xuất dự án phòng chống sạt lở với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng
TP.HCM: Đề xuất dự án phòng chống sạt lở với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng
Vũ Quyền
Thứ bảy, ngày 26/08/2023 11:08 AM (GMT+7)
Dự án thực hiện phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch tại TP.Thủ Đức và huyện Nhà Bè với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng đang được Sở GTVT TP.HCM trình UBND TP.
Sở GTVT TP.HCM đang trình UBND TP báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án thực hiện phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn.
Dự án do Trung tâm Quản lý Đường thủy làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự tính khoảng 150 tỷ đồng được đề xuất từ nguồn ngân sách TP. Trong đó, chi phí xây dựng 90,2 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 26,2 tỷ đồng; chi phí dự phòng 24,4 tỷ đồng... Thời gian thực hiện dự án từ 2023-2025.
Vị trí thực hiện dự án tại hai địa điểm. Vị trí một tại bờ trái Rạch Giồng - sông Kinh Lộ thuộc ấp 4 xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Theo báo cáo, mức độ sạt lở nguy hiểm, bên trong là nhà dân sinh sống gần các vị trí bị xói lở, hở hàm ếch. Theo bản đồ công bố vị trí sạt lở, vị trí này thuộc đoạn sông có tốc độ xói lở khoảng 0,5m/năm. Qua khảo sát, hiện trạng khu vực sạt lở có khoảng 22 hộ dân sinh sống, chiều dài khoảng 400m, đường bờ mái dốc lớn, xói vào bờ, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân.
Vị trí còn lại tại bờ phải sông Đồng Nai (khu vực trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái), thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức. Theo báo cáo, điểm này có mức độ sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến trụ sở của Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái.
Qua khảo sát, trên bờ là trụ sở làm việc của cán bộ, chiến sĩ công an Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái, chiều dài khu đất khoảng 145m, do tác động của sóng tàu, dòng chảy, bờ sông bị xói lở, nguy cơ sạt trượt cao.
Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra ít nhất hai vụ sạt lở tại các bờ sông, kênh. Cụ thể, sạt lở bờ kè kênh Thanh Đa cách cầu Kinh khoảng 50m (phường 25, quận Bình Thạnh) diễn ra cuối tháng 6; sạt lở tại bờ phải tuyến sông Sài Gòn, cách cầu Phú Long khoảng 2km (thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12) hồi đầu tháng 8.
Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có 32 vị trí sạt lở; có 24 vị trí nguy hiểm và có 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Trong số 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có ba điểm ở huyện Nhà Bè, hai điểm ở TP.Thủ Đức, 2 ở huyện Bình Chánh, một điểm ở huyện Cần Giờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.