Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
UBND TP.HCM vừa có tờ trình Chính phủ việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM).
Các đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng của TP.HCM giảm mạnh 20 năm qua từ 10,2% giai đoạn 1996-2010 còn 6,41% giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, các nội dung trong nghị quyết mới là những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp, TP.HCM xin được làm thí điểm với tinh thần tháo gỡ điểm nghẽn, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị. TP.HCM kỳ vọng các cơ chế mới giúp thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, tham gia phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong đó, một số cơ chế về tài chính ngân sách đáng chú ý được TP.HCM đề xuất như: quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân (trừ bất động sản duy nhất).
Mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau. Đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kiến nghị mở rộng giới hạn các khoản vay của địa phương so với với số thu ngân sách địa phương được hưởng theo Nghị quyết 54/2017 từ 90% lên mức 120%; giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 21% đến năm 2025; hoàn thiện mô hình công ty đầu tư tài chính nhà nước.
Về tài nguyên môi trường, TP.HCM kiến nghị phân cấp cho UBND TP.HCM điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị do Thủ tướng phê duyệt mà không làm thay đổi quan điểm và định hướng quy hoạch tổng thể; phân cấp xử lý các nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, chung cư cũ, nhà ở trên và ven kênh rạch. TP.HCM nhận định quy định pháp luật chồng chéo là điểm nghẽn chính của các dự án đầu tư nhà ở hiện nay.
Đối với công tác bồi thường, TP.HCM xin được thí điểm cơ chế bồi thường "bằng đất theo tỷ lệ" khi giải phóng mặt bằng, bảo đảm tính linh hoạt theo yêu cầu từng dự án và sự tự nguyện của người sử dụng đất. Cơ chế này có thể thí điểm tại TP.HCM để tổng kết thực tiễn trước khi áp dụng rộng rãi.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đề xuất thí điểm thực hiện việc tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, tránh tình trạng "vốn chờ dự án", đội vốn do thiếu mặt bằng thi công.
Đối với quản lý đầu tư, dự thảo đề xuất cơ chế riêng về quy trình thủ tục đầu tư; giao, cho thuê đất; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư... để thành phố huy động thêm nguồn lực tư nhân. Hiện, TP.HCM muốn xã hội hóa đầu tư, nhưng nhiều nội dung trái quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Ngoài ra, về tổ chức bộ máy, thành phố xin tự quyết việc tổ chức lại, giải thể, thành lập đơn vị sự nghiệp công; lập Sở An toàn thực phẩm; quyết định số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường.
Theo chính quyền TP.HCM, việc phân quyền giúp tăng tính chủ động, đơn giản hoá thủ tục cho doanh nghiệp, cũng như giảm tải gánh tặng cho Trung ương. Cơ chế đặc thù không làm ảnh hưởng điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của địa phương khác, mà tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.