TP.HCM đi trước và về trước: “Chìa khóa” đưa nông nghiệp TP.HCM cất cánh (bài 3)

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 02/05/2022 06:30 AM (GMT+7)
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang ngày càng được nông dân và chính quyền TP.HCM quan tâm. Theo Sở NNPTNT TP.HCM, việc đẩy mạnh ứng dụng NNCNC không chỉ tạo ra các mô hình có tính khả thi để nông dân ứng dụng, mà còn giúp ngành nông nghiệp tạo ra bước đột phá.
Bình luận 0

Nông dân TP.HCM giàu nhanh…

Là huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa cao, nông dân huyện Hóc Môn cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển NNCNC. Mô hình trồng dưa lưới của ông Trang Quốc Dũng (ở xã Đông Thạnh) là một điển hình. Theo ông Dũng, muốn làm NNCNC trước tiên là phải hiểu rõ loại cây trồng mình đang canh tác. Sau đó mới có những kỹ thuật ứng dụng phù hợp.

Ngay với các thiết bị công nghệ, không phải ai cũng hiểu hết công dụng của chúng. Ông Dũng kể, nhiều kỹ thuật được ông học hỏi kỹ lưỡng và ứng dụng có chọn lọc từ các nước tiên tiến. Toàn bộ trang trại của ông Dũng đều sử dụng bạt phủ màu trắng để tạo thật nhiều ánh sáng. Ánh sáng này giúp làm giảm nhiệt độ trong nhà kính vừa giúp cho mặt dưới của lá cây quang hợp tốt hơn.

Theo công nghệ từ Israel, phía dưới các giá thể chỉ có một cái máng để thu hồi nước. Nếu một cây ở đầu này bị bệnh, nguồn bệnh sẽ theo dòng nước, lan truyền cho tất cả các cây khác trong cùng một máng. Ông Dũng nghĩ ra việc sử dụng khay cách ly cho từng giá thể để hạn chế nguồn bệnh lây nhiễm chéo.

gop/ “Chìa khóa”  đưa nông nghiệp TP.HCM cất cánh - Ảnh 1.

Nông dân ở Cần Giờ (TP.HCM) điều khiển máy cho tôm ăn tự động. Ảnh: M.S

Ứng dụng hiệu quả vào sản xuất

Ngành nông nghiệp TP.HCM đang chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại khi ứng dụng Internet để thu thập các dữ liệu, sử dụng phần mềm quản trị vườn trồng hoặc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…). Trong đó, ngành trồng trọt đã sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ blockchain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn... Một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối cũng như tiêu thụ sản phẩm.

TP.HCM đã hình thành Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao...

Khi đưa công nghệ tưới nhỏ giọt Israel về trại, ông Dũng lại cải tiến để khắc phục nhược điểm là cây phát triển không đều trong cùng một đợt xuống giống. "Bằng hệ thống tưới nhỏ giọt bù áp, tất cả các cây đều nhận được lượng phân, nước đồng đều, để cho trái có chất lượng đồng nhất"- ông Dũng nói.

Trang trại Nông Phát của ông Dũng có tổng diện tích canh tác rau, trái các loại gần 9ha. Hệ thống nhà lưới của Nông Phát chia thành nhiều nhà với diện tích 1.000m2/nhà. Việc chia nhỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để quản lý canh tác và chăm sóc cây trồng.

Riêng với mặt hàng dưa lưới, ông Dũng nhẩm tính, đầu tư 1ha sẽ cho sản lượng khoảng 110 tấn/năm. Doanh thu từ dưa lưới khoảng 3,3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận trên 800 triệu đồng/ha/năm. Tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), HTX Tuấn Ngọc là 1 trong những HTX đang trồng rau thủy canh ứng dụng NNCNC, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc HTX Tuấn Ngọc kể, 3 năm trước, người dân quận 9 (cũ) được khuyến khích phát triển NNCNC để phù hợp đô thị hóa. Nhiều nông trại được mở rộng, ứng dụng thêm phương pháp trồng rau trong nhà màng. Ban đầu, diện tích của HTX chỉ khoảng 1.000m2. Vốn kinh nghiệm trồng trọt lúc này ngày chưa có nhiều...

"Mô hình trồng rau thủy canh lúc này còn mới. Người dùng còn e ngại vì nghĩ rằng rau không trồng trên đất thì chắc chắn là chỉ sử dụng toàn hóa chất"- ông Tuấn kể. Sau nhiều cố gắng, HTX được sự công nhận về chuẩn an toàn VietGAP và bắt đầu mở rộng thị trường. Nhất là sau khi tìm hiểu NNCNC cao do Sở NNPTNT TP.HCM hướng dẫn, hiệu quả canh tác của HTX ngày càng cải thiện đáng kể.

Rau thủy canh được trồng trong nhà màng, hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết và ngăn chặn côn trùng. Rau thổ canh chỉ có thể trồng nhiều nhất là 10-12 vụ/năm nhưng rau thủy canh có thể kéo dài lên 16-20 vụ/năm.

Chuyển đổi số nuôi tôm

gop/ “Chìa khóa”  đưa nông nghiệp TP.HCM cất cánh - Ảnh 3.

Thu hoạch rau thủy canh trong nhà màng ở HTX Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức). Ảnh: Nguyễn Vy

"Ngành nông nghiệp cũng đang xây dựng chương trình chuyển đổi số để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Việc thay đổi công nghệ trong quá trình sản xuất sẽ đem tới những lợi ích rất thiết thực cho nông dân".

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT

Sở NNPTNT và Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đang triển khai hỗ trợ cho nông dân huyện Cần Giờ ứng dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi tôm nhằm đạt được hiệu quả tối ưu. Việc chuyển đổi số thông qua ứng dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại sẽ giúp tăng độ chính xác trong giám sát môi trường, quản lý dịch bệnh. Từ đó, năng suất, chất lượng tăng gấp đôi so với phương thức truyền thống.

Ông Đinh Quang Thành là chủ ao nuôi tôm 1.600m2 đamg ứng dụng công nghệ điều khiển tự động bằng kỹ thuật số ở xã Lý Nhơn. Ông Thành kể, thông qua hệ thống giám sát và quản lý từ xa, các thiết bị đo môi trường tự động được đấu nối với tủ điều khiển từ xa thông qua điện thoại.

Từ khi ứng dụng app quản lý ao tôm công nghệ trên điện thoại, tất cả các khâu từ cho ăn, điều chỉnh hệ thống quạt, sục khí oxy, đo đạc môi trường đều được thực hiện tự động.

Ông Hồ Ngọc Thiện - Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, ngày trước, các hộ dân chủ yếu nuôi tôm trực tiếp trên ao. Thời gian gần đây nhiều khu vực đã chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Cần Giờ hiện có trên 5.000ha nuôi tôm. Chỉ với 180ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã cho sản lượng bằng 1/4 tổng sản lượng tôm của huyện. Lợi nhuận từ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gấp 2 -2,5 lần so với nuôi truyền thống.

Mục tiêu của Cần Giờ trong năm 2022 là nâng cao hàm lượng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao lên 220ha. Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao lên 40% tổng sản lượng tôm cả huyện. Trên nền tảng NNCNC, việc tăng cưởng chuyển đổi số trong nuôi tôm sẽ giúp cho việc quản lý được chính xác, giảm thiểu nhiều tổn thất, rủi ro không mong muốn. Chuyển đổi số còn giúp lưu trữ dữ liệu, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc.

Việc chuyển đổi số tuy còn mới mẻ nhưng ngành nông nghiệp TP.HCM đang tích cực hỗ trợ và khuyến khích người dân ứng dụng. "Huyện Cần Giờ sẽ đầu tư nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao và chuyển đổi số giúp nhiều hộ dân ứng dụng thành công và có lãi"- ông Thiện nói.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, công nghệ cao là chìa khoá giúp nông nghiệp TP.HCM cất cánh. TP.HCM đã và đang thực hiện rất nhiều mô hình NNCNC, nhiều mô hình tích hợp được việc chuyển đổi số. 

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem