Quốc Hải
Thứ bảy, ngày 02/10/2021 14:49 PM (GMT+7)
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp (DN), hiện nguồn lực tự thân của họ đã cạn kiệt, không còn đủ vốn để phục hồi sản xuất nhanh được. Vì vậy, các DN đề xuất Chính phủ xem xét các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trong điều kiện mở cửa kinh tế, sống chung với dịch Covid-19.
Sáng 2/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp xúc cử tri với hơn 150 DN tại TP.HCM.
Doanh nghiệp kiệt sức, cần… tiếp oxy tài chính
Ông Phạm Văn Việt - phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - đánh giá: Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động, dòng tiền đối với DN quan trọng như oxy với người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các DN không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo như: Không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo… mới được giải ngân.
"Đại dịch đã khiến doanh thu DN sụt giảm, lợi nhuận âm, không có tài sản đảm bảo, dự báo khôi phục hoạt động phải trên 2 năm trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng thương mại không đổi" - ông Việt bình luận.
Vì thế, trong giai đoạn này, để giúp các DN nhanh chóng phục hồi, phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM đề nghị cần có quy chế đặc biệt để tất cả các DN tiếp cận được hỗ trợ ưu đãi lãi suất, không phân biệt ngành nghề.
"Đề nghị cần phải chuyển từ nhận thức từ "Zero Covid sang with Covid" thành hành động nhanh và dứt khoát. Nếu cứ nửa vời và vấn vương với tư tưởng Zero Covid sẽ làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế - xã hội khi tái mở cửa lại và tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến đi sống và chế độ phúc lợi của người dân…"
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel.
"Dự kiến, tháng 10 này Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm (khoảng 3.000 tỷ đồng) trên tổng dư nợ 100.000 tỷ đồng, nhưng nếu không sớm ban hành một cơ chế đặc biệt cho các DN gặp khó khăn do đại dịch thì các DN chắc chắn vẫn không thể tiếp cận được" - ông Việt nói.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cũng nhấn mạnh, các DN đang cần hỗ trợ tài chính như người bệnh cần oxy. Bởi, nếu chậm trễ thì khả năng rất nhiều DN tốt sẽ bị chết, hoặc suy yếu nội lực khiến Nhà nước sẽ mất đi nguồn thu sau này.
Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Chu Tiến Dũng cũng nhận định, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP.HCM, các DN hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh.
"Trong đợt dịch lần này chỉ có khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến". Tuy nhiên việc duy trì ở mức chi phí cao, thua lỗ nặng, không thể kéo dài bền vững được… Chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng" - ông Dũng thông tin.
Vì vậy, để giúp các DN nhanh chóng phục hồi sau dịch, Hiệp hội DN TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để có thêm nguồn lực giảm lãi suất.
Việc cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, hỗ trợ DN được tiếp cận vay vốn mới, với lãi suất vay thấp, không phải thế chấp tài sản để DN phục hồi lại được sản xuất… là giải pháp cấp thiết mà DN cần lúc này.
Ở góc độ khác, bà Lưu Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng Phúc Khang - cho rằng: Phần lớn các chính sách Nhà nước đã và đang thực hiện đều gây khó khăn cho nguồn ngân sách Nhà nước. Vì vậy, thời điểm này nên ưu tiên, đẩy mạnh các chính sách phi kinh tế để không gây áp lực về phía Nhà nước.
Cụ thể, các chính sách phi kinh tế cần đẩy mạnh là sớm cải cách thủ tục hành chính giúp DN giải quyết công việc nhanh chóng, giảm chi phí đầu tư, sản xuất.
"Các DN đều mong muốn chung là UBND TP.HCM sớm có chính sách hỗ trợ DN (chủ đầu tư) trong việc triển khai thực hiện dự án, tránh tình trạng "ách tắc" liên quan đến thủ tục hành chính" - bà Mẫu nói.
Không đóng cửa DN, nếu có F0 thì F0 đi chữa bệnh hoặc tự cách ly
Đây là đề xuất của bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM. Theo bà Kim Chi, nguyện vọng của DN lúc này là được quyền chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch và tự chịu trách nhiệm.
Nhà nước chỉ thực hiện hậu kiểm bằng kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu đóng cửa ngay lập tức để rà soát, đánh giá, khắc phục nếu cơ sở, đơn vị không đảm bảo các tiêu chí an toàn. Việc này sẽ tránh tình trạng xin - cho, gây khó dễ cho DN. Đặc biệt, không đóng cửa DN, nếu có ca F0 thì F0 đi chữa bệnh hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp.
Ngoài ra, hiện DN đang gồng mình gánh chi phí test Covid-19 - chiếm tỷ trọng chi phí rất cao, giá test kit cao và chênh lệch nhau lớn giữa các địa phương (PCR hơn 1 triệu đồng/lần; test nhanh: 150-280 nghìn đồng/lần).
"Tôi kiến nghị cần cho các tổ chức y tế được phép bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh, như thế sẽ giảm chi phí cho DN rất nhiều, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho DN" - bà Kim Chi nói thêm.
Lắng nghe ý kiến, chia sẻ từ các DN, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính quyền TP.HCM, trước hết là ngành tài chính, thuế, các bộ ngành của Trung ương đang và sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới lỏng xã hội, giúp phục hồi kinh tế TP.HCM. Đặc biệt, đã và sẽ có một số chính sách hỗ trợ cụ thể đối với DN trong bối cảnh hiện nay.
Chủ tịch nước mong muốn các cấp của TP.HCM, đặc biệt là các ngành của Trung ương và Đoàn ĐBQH cùng lắng nghe ý kiến DN, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho DN. Chủ tịch nước tin tưởng rằng với truyền thống của TP.HCM, nhất định trong quý 4/2021 và đặc biệt là năm 2022, sự khởi sắc của TP.HCM sẽ trở lại với sự góp mạnh mẽ của DN, doanh nhân TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.