TP.HCM: Sốt vó tìm lao động trở lại làm việc

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 02/10/2021 06:30 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, chưa thể đưa công suất sản xuất trở lại như trước dịch vì nguồn lao động đang thiếu trầm trọng.
Bình luận 0

Từ 1/10, UBND TP.HCM đã cho phép nhiều ngành nghề hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều DN, phần đông họ khá hứng khởi vì được hoạt động trở lại nhưng đều có những nỗi lo, nhất là bài toán nan giải thiếu hụt lao động.

Thiếu lao động vì… vẫn khó đi lại

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho hay, việc tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" thời gian qua chỉ cho phép duy trì từ 30 - 50% số lượng lao động. Do đó, những lao động không tham gia sản xuất "3 tại chỗ" đã nghỉ việc hoặc trở về quê.

"Hiện nay, các DN vẫn còn đơn hàng nhưng để phục hồi lại quy mô sản xuất thì thiếu hụt hơn 60% lao động so với trước dịch, trong đó, có cả những lao động có kinh nghiệm và tay nghề,  rất khó tuyển mới", ông Phương nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Phương, ngành gỗ tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai với hơn 130.000 người lao động chưa được tiêm vaccine khiến việc mở lại nhà máy của các DN gỗ gặp nhiều khó khăn.

“Nóng” bài toán thiếu nhân lực lao động cho TP.HCM sau đại dịch - Ảnh 1.

Thủy sản là ngành lo thiếu lao động khi mở cửa trở lại - Ảnh: Công ty CP Vĩnh Hoàn

Hiện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đang tìm nhiều hướng để tìm kiếm nguồn vaccine  tiêm cho người lao động.

"Khó khăn tiếp theo mà Hawa đang gặp phải là việc đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận. Việc này đã gây nhiều khó khăn cho các DN, người lao động đi lại làm việc, khôi phục sản xuất vì đặc thù ngành gỗ nhà máy thường nằm xa khu dân cư, thường nằm các tỉnh lân cận TP.HCM", ông Phương nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp TP.HCM (HBA) thì cho rằng, việc các địa phương không đồng bộ về phương án mở cửa khiến nhiều DN rơi vào tình thế bị động, chỉ hứng khởi tinh thần nhưng không sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và nguyên vật liệu để hoạt động ổn định.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng chục ngàn lao động đã về quê và hơn 10.000 người khác đang nhiễm Covid-19 sẽ khiến các nhà máy gặp khó khăn khi quay lại sản xuất sau dịch…

Theo thống kê của HBA, hiện các khu công nghiệp và khu công nghệ cao có khoảng 43.000 lao động ở các tỉnh. Khoảng 14.000 người trong số này làm việc tại khu chế xuất Linh Trung 1, 2 và đã tiêm vaccine mũi 1. Hiệp hội đã đề xuất thành phố ưu tiên vaccine cho công nhân để trở lại làm việc nhưng vì hầu hết công nhân cư ngụ tại Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) nên không thể di chuyển qua lại. Đây cũng là nguyên nhân cản trở lao động quay lại làm việc ngay sau ngày 1/10.

Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc dự án Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tân Tạo, cho biết hồi đầu tháng 9, một nhóm khoảng 300 DN đã có cuộc khảo sát để chuẩn bị nhân lực cho tháng 10 thì kết quả nhận được là có khoảng 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi mở cửa.

“Nóng” bài toán thiếu nhân lực lao động cho TP.HCM sau đại dịch - Ảnh 3.

Sản xuất khẩu trang tại một DN "3 tại chỗ" tại TP.HCM - Ảnh: DNCC

Theo ông Việt Anh, hiện nay có thể chia lực lượng lao động tại TP.HCM thành 4 nhóm: Lực lượng làm trong các DN FDI, nhóm lao động làm trong các khu công nghiệp, nhóm lao động làm việc ngoài khu công nghiệp và lao động tự do.

Trong đó, hai nhóm đầu là lực lượng lao động kỹ thuật tương đối ổn định, trong đợt dịch vừa qua không bị ảnh hưởng quá nhiều về thu nhập, tỷ lệ dịch chuyển thấp hơn. Tuy nhiên, cả 4 nhóm này đều tập trung sống ở các xóm trọ, không thể đảm bảo 5K, từ đó phát sinh rất nhiều F0, F1.

"Sống trong môi trường như vậy, nhiều người lao động sẽ muốn về quê, nhất là nhóm lao động tự do (có đến 70-80% là ở các tỉnh, thành), do họ không được mua bảo hiểm, việc tiếp cận công nghệ cũng chậm, việc tiêm vaccine cũng đi sau các nhóm lao động khác…", ông Việt An nói.

Làm gì để "níu chân" người lao động?

Trước đó, tại buổi họp báo ngày 30/9, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình cũng dự đoán tình trạng khan hiếm lao động sẽ xảy ra khi mở cửa trở lại. Theo ông Bình, khi thành phố mở cửa lại, các doanh nghiệp sản xuất sẽ thiếu lao động rất nhiều. Bằng chứng là sáng 30/9, khi cho 45 công trình xây dựng thi công trở lại chỉ có 30-40% công nhân làm việc.

Ông Bình kêu gọi công nhân ở lại, nhận gói hỗ trợ thứ ba, tiêm vaccine và tiếp tục tham gia lao động sản xuất.

“Nóng” bài toán thiếu nhân lực lao động cho TP.HCM sau đại dịch - Ảnh 4.

Dây chuyển sản xuất khẩu trang tại một DN - Ảnh: DNCC

Vì vậy, để tháo gỡ phần nào bài toán thiếu lao động này, TP.HCM đã chốt phương án đón người lao động trở lại làm việc.

Cụ thể, việc vận chuyển người lao động đến TP.HCM bằng đường bộ có 3 phương thức. Cách thứ nhất, đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức đưa đón. Cách thứ hai là cá ban quản lý khu chế xuất, khu công nghệ cao... làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý, phối hợp Công ty CP xe khách Phương Trang lên kế hoạch vận chuyển. Và cách thứ ba là thành phố tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến TP.HCM.

Tuy nhiên, để trở lại thành phố, người lao động ở các tỉnh phải được tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày, hoặc có xác nhận khỏi Covid-19 và xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc dự án Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tân Tạo, cho rằng, từ thực trạng các nơi ở không bảo đảm của người lao động hiện nay, để bảo đảm nguồn lực lao động tại TP.HCM, trong tương lai, TP cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do không thuộc tổ chức nào.

Ngoài ra, cộng đồng DN phải truyền thông thường xuyên với người lao động, mời họ trở lại bằng các thông tin cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn các biện pháp an toàn phòng chống dịch (xét nghiệm, tủ thuốc F0…) để họ an tâm trở lại làm việc.

"Theo tôi, mỗi khu công nghiệp cần có một bệnh viện dã chiến mini để công nhân trong môi trường nhiễm bệnh có thể được điều trị. Việc được điều trị khiến họ an tâm hơn rất nhiều", ông Việt Anh đề xuất.

TP. HCM có hơn 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc

Tại TP.HCM, hiện có trên 470.000 DN đang đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 DN FDI với trên 3,2 triệu công nhân. Dịch Covid-19 trong 5 tháng vừa qua đã tác động rất mạnh đến các DN, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ…

Cụ thể, trong 5 tháng qua, chỉ có 70 DN hoạt động "3 tại chỗ" với 600.000 lao động, trong khi đó 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem