Theo Sở Y tế, hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn TP hiện nay gồm 64 bệnh viện tư nhân, 215 phòng khám đa khoa, 6.223 phòng khám chuyên khoa và hơn 9.000 nhà thuốc tư nhân.
Nếu được huy động và kích hoạt thì sẽ góp phần không nhỏ giúp giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở và tăng cường hiệu quả trong công tác phòng chống dịch giai đoạn hiện nay. Cụ thể Sở Y tế đề xuất 4 cơ chế bao gồm:
Cơ sở y tế tư nhân được đăng ký làm trạm y tế lưu động để chăm sóc và điều trị F0 tại nhà. Trung tâm y tế quận, huyện ký hợp đồng trách nhiệm với phòng khám tư nhân, phân bổ số F0 theo quy định từ 50 đến 100 người.
Điều kiện là nhân lực trạm y tế lưu động tư nhân tối thiểu 3 người, trong đó ít nhất 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng.
Thuốc điều trị Covid-19 do trung tâm y tế cấp, còn thuốc điều trị bệnh nền và cơ sở vật chất, trang thiết bị sẽ do trạm y tế lưu động tư nhân tự trang bị.
Toàn bộ chi phí chăm sóc F0 của trạm y tế lưu động tư nhân do ngân sách nhà nước chi trả, tiền công khám tại nhà 27.500 đồng/lần khám, chi phí đi lại 20.000 đồng/lượt khám tại nhà, tiền công lấy mẫu xét nghiệm test nhanh là 16.700 đồng…
Cơ sở y tế tư nhân được tham gia chăm sóc F0 tại nhà sẽ hoạt động theo cơ chế thỏa thuận với người bệnh và có kiểm soát.
Theo đó, người bệnh Covid-19 được quyền chọn lựa bác sĩ tư nhân để chăm sóc, điều trị tại nhà và chịu trách nhiệm thanh toán tiền công khám, chi phí đi lại của nhân viên y tế theo giá thỏa thuận.
Sở Y tế quy định giá cho 1 lần khám tại nhà không cao hơn giá khám dịch vụ của các bệnh viện công lập trên địa bàn là 200.000 đồng/lượt khám.
Đối với các bệnh viện tư nhân điều trị người bệnh Covid-19, ngân sách nhà nước sẽ thanh toán chi phí điều trị Covid-19 như: tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật... theo mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh được Bộ Y tế quy định.
Bệnh viện tư nhân cũng được thanh toán tiền ăn, chi phí sinh hoạt, chi phí mai táng (nếu có) theo quy định. Đối với các chi phí khác phục vụ theo yêu cầu của người bệnh như tiền phòng, tiền ăn, dịch vụ tiện ích tăng thêm thì bệnh viện thu theo mức giá thỏa thuận.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất cho các cơ sở cách ly tập trung như cơ sở sản xuất, kinh doanh, khách sạn… được lựa chọn cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện tham gia thực hiện chăm sóc F0 và ký hợp đồng theo mức giá thỏa thuận.
Trước tình trạng số ca F0 tiếp tục có dấu hiệu tăng, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ Quốc phòng cho tiếp tục duy trì hoạt động của 85 trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố với 153 nhân viên y tế đến hết tháng 12. Trước đó, theo kế hoạch, các trạm y tế lưu động do quân y phụ trách sẽ kết thúc nhiệm vụ vào cuối tháng 11.
Theo Sở Y tế TP, tính đến ngày 29/11, một số quận huyện có số ca F0 đang cách ly tại nhà ở mức cao như quận 12: 6.327 người; TP.Thủ Đức 20.522 người; huyện Hóc Môn 8.147 người; huyện Bình Chánh 7.166 người; quận Bình Tân 4.210 người, quận Tân Phú 4.829 người…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.