TP.HCM: Gần 3.000 lớp học chưa đủ giáo viên đứng lớp theo định mức

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 13/09/2022 12:10 PM (GMT+7)
TP.HCM hiện còn 2.876,4 lớp chưa có đủ giáo viên đứng lớp trong năm học mới theo đúng định mức quy định.
Bình luận 0

Vừa qua, Sở GDĐT TP.HCM có báo cáo tình hình sau khai giảng năm học 2022-2023. Theo đó, tới thời điểm hiện tại, thành phố vẫn còn thiếu 5.939 giáo viên theo biên chế.

Bậc THCS hiện thiếu nhiều nhất với 2.467 giáo viên, kế đến là đó là bậc tiểu học thiếu 2.169 giáo viên, bậc mầm non thiếu 1.006 giáo viên và bậc THPT thiếu 297 giáo viên.

TP.HCM: Gần 3.000 lớp học chưa đủ giáo viên đứng lớp theo định mức - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Bình Tân có trên 5.000 học sinh tiểu học. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Nếu căn cứ theo định mức 1,5 giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GDĐT và yêu cầu của Sở GDĐT TP.HCM thì hiện còn 1.446 lớp ở bậc tiểu học chưa có giáo viên đứng lớp.

Tương tự, ở bậc THCS, với quy định định mức 1,9 giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GDĐT thì hiện toàn thành phố còn 1.298,4 lớp ở bậc THCS chưa có giáo viên đứng lớp. Bậc THPT là 132 lớp chưa có giáo viên đứng lớp, với định mức 2,25 giáo viên/lớp.

Như vậy, tổng cả ba bậc học ở TP.HCM còn 2.876,4 lớp chưa có đủ giáo viên đứng lớp trong năm học mới theo đúng định mức quy định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, để đảm bảo công tác dạy học, đảm bảo giáo viên đứng lớp trong năm học mới, các cơ sở giáo dục sẽ ký hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên. Giáo viên hợp đồng thỉnh giảng phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong từng cấp học.

TP.HCM: Gần 3.000 lớp học chưa đủ giáo viên đứng lớp theo định mức - Ảnh 3.

Học sinh tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp, quận 12. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Riêng với giáo viên tiếng Anh, Tin học, Sở GDĐT đã có chỉ đạo từng đơn vị chủ động phân công và ưu tiên giáo viên giảng dạy Chương trình GDPT 2018 đối với hai bộ môn này từ lớp 3.

Đối với các trường hợp khó khăn về giáo viên, các đơn vị có thể tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin kết hợp với dạy học trực tiếp để triển khai các lớp hỗ trợ giảng dạy, chủ động hợp đồng, thỉnh giảng và đề xuất sự hỗ trợ giáo viên với phòng GDĐT từ các đơn vị trên địa bàn.

Ngoài ra, vị lãnh đạo sở cho biết thêm, hiện toàn thành phố có duy nhất Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân) có tổng số học sinh là 5.170 em. Kế đó là Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) có tổng số học sinh là 4.555 em, sĩ số dao động 48-49 em/lớp, có lớp lên 55-56 học sinh/lớp.

Theo ông Quốc, nguyên nhân các trường này có số lượng học sinh đông là do tình trạng gia tăng dân số cơ học cao, mật độ dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh ở các quận huyện như Bình Tân, quận 12, Hóc Môn, Tân Phú...

Năm học 2022-2023, TP.HCM tăng khoảng 21.000 học sinh ở các bậc học. Trong đó, bậc THCS tăng nhiều nhất với 13.661 học sinh, kế đến là THPT tăng 12.761 học sinh, mầm non tăng 6.587 học sinh... Số học sinh tăng chủ yếu tập trung ở quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn do đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem