TP.HCM gặp khó xử lý rác thải trong xây dựng nông thôn mới

Trần Hà Anh Thứ tư, ngày 01/05/2024 10:41 AM (GMT+7)
Do quy định, việc xử lý rác thải đang trở nên khó khăn với TP.HCM trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0
TP.HCM gặp khó xử lý rác thải trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Phân loại rác đang làm khó TP.HCM trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T.Đ

Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM với các Sở ngành về tình hình thực hiện Nghị quyết số 25 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP.HCM, năm 2023, có ý kiến băn khoăn về sự thay đổi trong các quy định, dẫn đến nhiều khó khăn, trong đó có việc xử lý rác thải.

Theo đó, quy định phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường là phân thành 3 loại, gồm: Chất thải thực phẩm, chất thải có thể tái sử dụng và chất thải còn lại. Tuy nhiên, tại TP.HCM đang thực hiện theo Quyết định 09, là chỉ còn 2 loại, gồm: Chất thải có thể tái sử dụng và chất thải còn lại.

Điều này dẫn đến sự lúng túng của địa phương khi áp dụng vào thực tế, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, về tiêu chí môi trường, huyện cũng đang thực hiện theo các chỉ đạo của Sở NNPTNT. Tuy nhiên, cũng cần có biểu hiện cụ thể phân loại rác. Lúc đầu 3 loại, sau đó 2 loại, nên cần có hướng dẫn cụ thể, bởi khi tuyên truyền cho người dân rồi thì triển khai phải đúng, mà thay đổi là rất khó.

Huyện Củ Chi (TP.HCM) cũng đang xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025 và cũng đang gặp khó khăn trong công tác xây dựng nông thôn mới tại địa bàn. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Củ Chi ghi nhận nhiều hạn chế, như: Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới; công tác dạy nghề cho lao động nông thôn mới chỉ đạt một số kết quả nhất định, chưa bảo đảm yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp chưa cao…

Đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân vẫn còn hạn chế, một số điểm rác tự phát ven đường vẫn còn. Trên địa bàn huyện thiếu hệ thống thu gom thoát nước, nên việc kiểm soát và quản lý xả thải tại các lưu vực kênh, rạch khu vực nông thôn còn khó khăn. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh gây áp lực cho việc xử lý chất thải sinh hoạt.

Tại huyện Nhà Bè, ông Trần Văn Tấn (chủ trại nấm Nghĩa Nhân, xã Nhơn Đức) phàn nàn việc không được xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp để phát triển sản xuất. "Tưởng TP thí điểm cho phép xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp sẽ mở ra cơ hội cho bà con nông dân, ai dè thí điểm chưa xong lại dừng", ông Tấn than thở.

TP.HCM gặp khó xử lý rác thải trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Người dân huyện Củ Chi ra quân thu gom rác thải góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ảnh: T.Đ

Theo ông Tấn, làm nông thôn mới thì tiêu chí Thu nhập càng ngày càng tăng, các địa phương phải lo tìm cách giúp người dân tăng thu nhập. Nhưng nếu không giải quyết vấn đề xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp thì chẳng khác nào "trói tay" người dân không cho phat triển sản xuất, không tăng thu nhập được.

Việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp là khó khăn chung mà nông dân và lãnh đạo các địa phương đã nhiều năm kiến nghị. Những lo ngại về tình trạng các công trình biến tướng thành nhà ở, dẫn tới xây dựng nhà cửa kiên cố tràn lan trên đất nông nghiệp, khiến cho người nông dân thực sự có nhu cầu mở rộng sản xuất gặp khó trong thời gian dài.

TP.HCM xác định, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025 khá cao so với giai đoạn trước nên cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, từ TP đến địa phương và cần có sự chung tay góp sức của người dân thực hiện hiệu quả Chương trình theo tiến độ đề ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem