TP.HCM giãn cách xã hội: "Gom chục thùng mì làm gì, mua năm ngoái tới hết hạn ăn vẫn chưa hết"

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 01/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Bà Thanh Hà nói vui: Ai ham mì gói chứ bà không có ham. Năm ngoái, bà cũng bon chen trước giãn cách xã hội, mua có 1 thùng mì mà để tới hết hạn ăn cũng không hết.
Bình luận 0

Giãn cách xã hội: Mua 1 thùng mì hết hạn vẫn còn

Hôm qua, trước khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) giãn cách xã hội theo Chị thị 16, nhiều người đã tranh thủ đi mua thực phẩm, hàng thiết yếu nhiều hơn bình thường để dùng dần trong 2 tuần tới.

Hàng hóa được mua nhiều nhất hôm qua là mì ăn liền, gạo, bún miến, thịt cá, rau xanh các loại, trứng sữa. Do số lượng người bất ngờ đến mua sắm cùng lúc khiến một số siêu thị hết hàng cục bộ, quầy hàng trống trơn dù chưa đến giờ đóng cửa.

TP.HCM giãn cách xã hội: "Gom chục thùng mì làm gì, năm ngoái tới hết hạn ăn cũng chưa hết" - Ảnh 1.

Người dân mua mì ăn liền tại siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Trong khi đó, bước sang hôm nay, ngày 31/5, ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, chợ, siêu thị vẫn mở bán bình thường thì tình hình mua sắm lại rất vắng vẻ. Hàng hóa các loại từ thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt cá đến mì ăn liền, bún gạo đầy ắp trên quầy kệ.

Thảnh thơi mua sắm tại siêu thị Big C Tô Hiến Thành (quận 10), bà Thanh Hà (quận 10) cho vào xe đẩy hàng hóa nửa kg thịt đùi heo, một vài bó cải. Bà đi thêm qua khu vực trái cây, mua cam loại 1 để cả nhà tăng sức đề kháng phòng dịch Civid-19.

"Ai ham mì gói chứ tôi không có ham. Bà hàng xóm hôm qua khoe ôm được đâu gần chục thùng về để chia cho mấy đứa con có gia đình riêng. Tôi chỉ cười thôi. Năm ngoái, tôi cũng bon chen trước giãn cách xã hội, mua có 1 thùng mì mà để tới hết hạn cũng ăn đâu có hết", bà Hà nói.

Những người đi mua sắm trong ngày đầu tiên TP.HCM giãn cách xã hội cũng trong trạng thái tương tự bà Hà. Tại một siêu thị Co.opmart ở quận 10, hầu như hiếm bà nội trợ nào mua mì gói và gạo, thay vào đó, họ mua rau củ quả và trái cây.

Chị Nguyễn Thị Lan (quận 10) nhìn vào quầy rau củ quả đầy ắp, cho hay rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay không mua mì gói, nói không với tích trữ đồ ăn.

"Siêu thị vẫn mở cửa, thực phẩm vẫn đầy đủ, thậm chí, tôi có thể gọi điện thoại đặt hàng, chế biến món ăn đầy đủ dinh dưỡng cho gia đình chống dịch, thay vì… ăn cả thùng mì gói trong nửa tháng. Sao ăn nổi", chị cười.

Bộ Công Thương: Hàng hóa không thiếu

Liên quan việc tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, hôm nay (31/5), Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan này thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa thiết yếu để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn khi cần thiết.

Trước đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương TP.HCM chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh Covid-19 cũng như các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các vùng có dịch.

TP.HCM giãn cách xã hội: "Gom chục thùng mì làm gì, năm ngoái tới hết hạn ăn cũng chưa hết" - Ảnh 3.

Hàng hoá tại TP.HCM đầy ắp trong ngày đầu giãn cách xã hội. Ảnh: Hồng Phúc.

Sở Công Thương TP.HCM đã xây dựng Kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh Covid-19.

"Trên cơ sở các kế hoạch đã xây dựng và chuẩn bị, với diễn biến dịch bệnh đang diễn ra trên địa bàn TP.HCM hiện nay vẫn nằm trong kế hoạch và khả năng cung ứng của hệ thống phân phối của thành phố", đại diện Vụ thị trường trong nước nhận định.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, đến thời điểm hiện nay, tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu tại TP vẫn tương đối tốt, giá cả hàng hóa không có biến động lớn. 

Tại một số khu vực chuẩn bị thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16, là quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), nhu cầu mua hàng có tăng mạnh nhưng nguồn cung của các doanh nghiệp phân phối vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. 

Đồng thời Sở Công Thương cũng khuyến cáo và thông tin đến người dân hệ thống phân phối hàng hóa vẫn hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa thiết yếu, người dân không nên mua hàng tích trữ, tập trung đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hiện Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem