Sáng 9/7, nhiều chợ, siêu thị tại TP.HCM không còn cảnh người dân chen nhau để mua thực phẩm và xếp hàng dài chờ thanh toán như các ngày trước đó. Hàng hóa cũng đầy ắp các quầy, kệ trong ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Tại chợ Đa Kao (quận 1), hơn 10h sáng, các tiểu thương bán rau củ quả, thịt heo, thủy hải sản vẫn còn khá nhiều hàng. Chợ không đông người như 3 ngày trước, người đi mua di chuyển thuận tiện nên đảm bảo giãn cách bên trong. Một số tiểu thương còn ngồi đợi khách để ráng bán xong trước giờ trưa.
Chị Thanh - một người bán rau củ quả chào mời: Mua rau đi em ơi. Hôm nay rau tươi, còn nhiều loại dễ chọn lắm. Giá bán đúng chứ không hét đâu. Chị cho biết, hôm nay, vẫn lấy rau với số lượng như hôm qua, nhưng người đi chợ giảm mạnh nên còn nhiều hàng. Giá rau nhiều loại như cải xanh, xà lách, rau dền giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với hôm qua.
"Thực ra, chúng tôi cũng đoán trước sức mua hôm nay sẽ giảm, các lần giãn cách xã hội trước cũng vậy. Người ta ùn ùn đi mua 2-3 ngày trước lệnh giãn cách thôi, chứ ngày mai nhiều khi lại ế. Tôi sẽ cân nhắc tình hình lấy hàng ít lại", chị nói. Các tiểu thương bán thịt cá cũng còn khá nhiều hàng.
Tại Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), đến cận trưa, quầy rau xanh, trứng, thịt cá bao gồm cả loại đã sơ chế, đóng vỉ sẵn còn rất nhiều. Các kệ hàng đầy ắp, nhân viên cũng liên tục thêm hàng khi có khách vừa lấy. Ghi nhận cũng cho thấy, khách không mua nhiều mà chỉ đủ dùng 1-2 ngày.
Một bà nội trợ cho biết đã lấy đủ các món cần mua, ăn 2 ngày thôi rồi đi mua tiếp để chế biến cho ngon. "Hôm qua, thấy người ta chen nhau nên định bụng hôm nay vắng, ai ngờ vắng thật. Mua sắm phải thế này mới an toàn trong mùa Covid-19", bà nói.
Còn siêu thị Emart (quận Gò Vấp), lượng khách cũng giảm rất nhiều so với các ngày trước. Khu vực rau củ quả, thịt cá đầy ắp.
Theo một nhân quầy thịt, chị cũng lên hàng liên tục nhưng nhìn chung sức mua giảm mạnh so với 2-3 ngày trước đó, chưa có "cháy" hàng cục bộ. Riêng đồ khô như bún, miến, mì gói, gạo cũng đầy hàng. Thậm chí, siêu thị còn đóng bớt quầy thu ngân do ít khách, lượng người chờ mỗi điểm chỉ từ 2-3 khách.
Hàng hóa luôn dồi dào, đầy đủ
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op - doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... cho biết: Doanh nghiệp trữ 12 nhóm hàng thiết yếu, bình ổn và thực hiện lưu trữ duy trì cả năm, 12 nhóm hàng này không thay đổi giá. Sản lượng dự trữ có thể cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân thành phố từ 1-3 tháng.
Vài ngày qua, do nhu cầu mua sắm tăng mạnh nên việc thiếu một mặt hàng trên các quầy kệ theo ông chỉ mang tính cục bộ, hàng hóa sẽ được lấp đầy sau đó. Ông nói người dân cứ yên tâm, không nên hoang mang hay lo thiếu hàng.
Hiện TP.HCM có 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống đang hoạt động, hơn 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và 28.000 điểm bán hàng của các địa phương đang phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm, hàng thiết yếu các loại trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại, chủ lực là các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh…
Đồng thời, gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, kích hoạt chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng và đúng giá cho người dân.
"Với năng lực dự trữ và cung ứng của các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp bình ổn thị trường, TP đủ lượng hàng cung ứng và các điểm bán phân phối hàng hóa, đảm bảo duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP.HCM cũng đề nghị người dân không tập trung đông người mua sắm tích trữ hàng hóa, không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch mà hãy cùng đồng hành trách nhiệm với TP để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.