TP.HCM: Học sinh lớp 12 thấp thỏm chờ quyết định thi hay chưa thi

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 29/06/2021 22:04 PM (GMT+7)
Nhiều thí sinh tại TP.HCM đang thấp thỏm, lo lắng và trông chờ quyết định về ngày thi THPT của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Bình luận 0

Bên nào cũng "có lý"

Sau khi Sở GD-ĐT triển khai lấy ý kiến của phụ huynh về việc "có đồng ý cho con thi tốt nghiệp THPT giữa lúc dịch bệnh đang rất căng thẳng hay không?", phụ huynh có nhiều băn khoăn và đưa ra lựa chọn trái chiều nhau. Trong khi đó, học sinh thì thấp thỏm, mong chờ quyết định cuối cùng của Sở.

Trao đổi với phóng viên, chị Hạnh Dung (ngụ quận 12) có con chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT cho biết, chị chọn phương án số 3, nghĩa là không yên tâm và không đồng ý cho con thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ngày 7 và 8/7. Theo chị, việc học hành, thi cử có thể hoãn lại cho đến khi dịch bệnh được khống chế. Còn tổ chức kỳ thi với quy mô lớn, hàng chục ngàn thí sinh tham gia ngay lúc dịch bệnh như thế này là quá "liều".

TP.HCM: Học sinh lớp 12 thấp thỏm chờ quyết định thi hay chưa thi của Sở - Ảnh 1.

Một khảo sát trên facebook của fanpage Tin giáo dục TP.HCM (Ảnh chụp màn hình)

Chị Dung nói: "Bây giờ không biết ai là F0, F1 ngoài cộng đồng cả. Thời gian ủ bệnh lại lâu hơn. Chính vì vậy, tổ chức thi trong lúc này là quá nguy hiểm. Tôi cho rằng, dù có thực hiện nguyên tắc 5K tốt đến mấy thì vẫn không tránh được rủi ro. Sức khỏe mới là quan trọng nhất, nên tôi không đồng ý cho con thi trong thời điểm này" – chị Hạnh Dung nói.

Đồng quan điểm, anh Giang Võ (ngụ Bình Tân) nói: "Tại sao thi lớp 10 thì hoãn; nhưng lại tổ chức thi THPT trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất như thế này ? Dịch bệnh đang nguy hiểm tới mức toàn thành phố cấm nhiều hoạt động chợ búa, ăn uống, tụ tập… mà lại tổ chức thi cho hàng chục ngàn người. Nếu các em học sinh tham gia kỳ thi bị nhiễm Covid-19, ai chịu trách nhiệm ? Tôi hoàn toàn phản đối việc tổ chức thi lúc này" – anh Võ khẳng định.

TP.HCM: Học sinh lớp 12 thấp thỏm chờ quyết định thi hay chưa thi của Sở - Ảnh 2.

Hình ảnh chụp tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), bất chấp dịch bệnh, phụ huynh vẫn đứng san sát để chờ con sau buổi thi (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều phụ huynh chọn phương án không yên tâm; nhưng vẫn đồng ý hoặc yên tâm và đồng ý cho con thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ngày 7 và 8/7.

Nói về việc đồng ý cho con thi, chị Mỹ Linh (ngụ quận 2) cho biết, chị và gia đình đều lo lắng trước diễn biến dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, dù không yên tâm vẫn muốn các con được thi sớm. "Nhìn thấy cảnh các con ôn tập trong thấp thỏm, lo âu, mong mỏi được thi... mới biết áp lực của các con rất lớn. 

Sở cũng như các cơ quan ban ngành liên quan trong thành phố thành phố cũng triển khai công tác phòng chống dịch rất hiệu quả, nên tôi nghĩ nếu ai cũng cẩn thận, nghiêm túc phòng chống dịch thì mọi việc sẽ suôn sẻ" – chị Linh bộc bạch.

Chị T.T (ngụ Bình Thạnh) cho biết: "Tôi vẫn mong các cháu được thi trong đợt 1 vì còn phải có kết quả tốt nghiệp để xét vào trường đại học. 12 năm đèn sách chỉ mong chờ đến ngày này. Dịch bệnh thì biết đến bao giờ mới hết, nếu lỡ tới cuối năm vẫn chưa hết mà còn căng thẳng hơn thì sao ? 

Trong khi đó, các cơ quan ban ngành đã lên kế hoạch chuẩn bị rất an toàn và chu đáo cho kỳ thi. Học sinh chỉ đến thi rồi ra về trong 2 ngày, không tụ tập hay nói chuyện, nghiêm túc thực hiện quy tắc 5K thì sẽ không có vấn đề gì" – chị T. nói.

Em Ngô Thị Hạnh (học sinh trường THPT Trần Quang Khải, đường Lạc Long Quân, quận 11) cho biết, hầu hết học sinh cuối cấp đang thấp thỏm chờ "phán quyết" cuối cùng của Sở. 

Em nói "tâm lý chung của học sinh là muốn thi luôn cho "nhẹ gánh". Dù cũng sợ dịch bệnh, nhưng nếu thi ngay thời điểm này thì chúng em có nhiều cơ hộ xét tuyển vào trường đại học mà mình mong muốn. Nếu hoãn thi hoặc thi đợt sau, cơ hội càng giảm dần. Em nghĩ, ai cũng chấp hành nguyên tắc phòng chống dịch thì sẽ ổn".

Ý kiến khảo sát không quyết định việc thi hay không

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, mục đích của việc khảo sát ý kiến phụ huynh không phải để quyết định việc tổ chức thi hay không. Đây là căn cứ để thành phố nắm được tình hình, có cơ sở xem xét toàn diện khi quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT, tạo sự yên tâm cho phụ huynh và thí sinh.

Theo ông Hiếu, học sinh cuối cấp đang trông chờ và kỳ vọng được thi đợt 1 để tốt nghiệp và có kết quả xét tuyển đại học. Với 4.700 học sinh ở các tỉnh khác theo học THPT tại các trường ngoài công lập, TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM cho phép các em đăng ký tham dự thi đợt 2 nếu có nhu cầu.

"Việc quyết định phương án thi phụ thuộc vào tình hình sức khỏe và khu vực phong tỏa có lớn hay không. Dù tổ chức thi theo phương án nào cũng phải đảm bảo an toàn cho thí sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên và nhân viên tham gia kỳ thi" - ông Hiếu nói.

Hiện, thành phố đã huy động hơn 15.800 người để phục vụ kỳ thi, trong đó có 400 nguời là thanh tra thi, 1.700 cán bộ chấm thi và 1.000 cán bộ chấm phúc khảo.

Nếu ngày mai (30/6), UBND TP.HCM chốt thi đợt 1, thì vào ngày 2/7 sẽ diễn ra buổi tổng duyệt phương án thi an toàn (trước kỳ thi 5 ngày). Sở Y tế sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh. Trưởng điểm thi triển khai phương án thi an toàn gồm: phân luồng, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, hướng dẫn học sinh giãn cách ra vào điểm thi...

Mỗi điểm thi có từ 20 đến 35 phòng với 380-800 thí sinh; không quá 130 cán bộ, giáo viên và nhân viên coi thi. Mỗi điểm có ít nhất 2 phòng thi dự phòng cho các em có dấu hiệu bệnh, ho, sốt; mỗi quận huyện, TP Thủ Đức sẽ có 1-3 điểm thi dự phòng. Đồng thời, mỗi phòng thi không quá 24 thí sinh, không sử dụng máy lạnh. Mỗi điểm thi phân ít nhất 4 luồng để đo thân nhiệt thí sinh theo phòng thi; thí sinh ra về ngay sau khi thi, không tụ tập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem