Đại diện sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện nay địa bàn TP.HCM là địa chỉ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, phân phối theo hình thức kênh bán lẻ hàng hóa. Với quy mô hơn 200 siêu thị, hơn 1.100 cửa hàng tiện lợi, hàng trăm chợ truyền thống đang hoạt động, nhu cầu mua sắm của người dân TP.HCM được đáp ứng một cách tốt nhất, kể cả các dịp cao điểm như lễ, tết.
Số điểm bán lẻ không chỉ nở rộ ở các quận trung tâm. Ngay tại các huyện, khu vực ngoại thành thành phố, có hàng nghìn điểm bán lẻ với đầy đủ mô hình phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tối đa nhu cầu người tiêu dùng.
“Các nhà bán lẻ đang ngày càng chứng minh vai trò quan trọng, sự nhạy bén nắm bắt thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt là các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế đang là những địa chỉ nắm giữ vai trò chủ chốt trong hệ thống các kênh phân phối hiện đại, chuyên nghiệp”, đại diện Sở Công thương TP.HCM nhấn mạnh.
Chị Mai Thị Hồng Hạnh (quận 3) cho biết, như nhiều bà nội trợ khác trong gia đình, trước kia chị thường đi chợ truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở ra nhiều, chị chủ yếu vào mua sắm tại các kênh bán lẻ này. Chị cho biết lý do là bởi mặt hàng ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đa dạng, đầy đủ, cần gì cũng có. Do tính chất công việc bận rộn không đi mua sắm thường xuyên được nên một tuần chị chỉ cần đi siêu thị từ 1, 2 lần.
Kênh bán lẻ hiện đại đang ngày càng thu hút người tiêu dùng vì tính tiện ích.
Còn vợ chồng bác Nguyễn Văn Hùng (quận Tân Bình) thì cho biết, hai bác đã gần 80 tuổi, các con lại ở xa nên việc đi mua sắm hạn chế. Mỗi tháng hai bác chỉ đi có 2 lần qua 1 siêu thị ở đường Cộng Hòa. Bác Hùng cho biết mua sắm tại đây rất thuận tiện, nhiều chủng loại hàng hóa và rất tươi ngon. Hơn nữa, siêu thị có dịch vụ vận chuyển hàng đến tận nhà rất thuận lợi cho khách hàng.
So với các chợ truyền thống, kênh bán lẻ thông qua các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi thu hút người tiêu dùng, ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… còn bởi tại đây thường xuyên đưa nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi phục vụ khách hàng, nhất là vào các dịp đầu năm, các ngày kỷ niệm, ngày lễ trong năm.
Đồng thời, không thể phủ nhận vai trò bình ổn giá của của các kênh bán lẻ này tại thị trường TP.HCM. Hệ thống siêu thị rộng khắp trên địa bàn thực hiện và phát huy tốt vai trò kìm giá thị trường.
Vị đại diện sở Công thương TP.HCM nhận định: “Các hệ thống phân phối hiện đại là một trong những doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường nên đều có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người lao động, kể cả các phương án giảm giá, kích cầu khuyến mãi phục vụ người tiêu dùng. Chính nhờ hệ thống này mà giá cả trên thị trường nhìn chung được cân bằng. Không tạo ra các cơn sốt giá ảo, hụt nguồn cung".
TP.HCM là thị trường mà các nhà đầu tư kênh bán lẻ nhắm tới.
Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ tại TP.HCM ngày càng trở nên sôi động hơn với nhiều dự án đầu tư từ các tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước ngoài, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu lớn trong nước.
Với sự hình thành của tuyến Metro đầu tiên, thị trường bán lẻ kỳ vọng sẽ thay đổi đáng kể trong những năm tới. Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã trình đề cương xây dựng khu thương mại ngầm 6.300 tỷ đồng dưới nhà ga trung tâm Bến Thành, nối liền với phố đi bộ Nguyễn Huệ, lên UBND TP chờ phê duyệt.
Với 45.000 m2 diện tích sàn, nối với tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương), số 3A (Bến Thành - bến xe Miền Tây) và số 4 (Thạnh Xuân - Nguyễn Văn Linh), dự án là loại hình bán lẻ mới, đột phá và được cả người tiêu dùng cũng như nhà bán lẻ mong đợi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.