Cuộc chiến giành “ngôi vương” trên thị trường bán lẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 08/10/2018 17:25 PM (GMT+7)
Với việc VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty Cổ phần Nhất Nam, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang từng bước vẽ lại bản đồ thị trường bán lẻ Việt Nam theo cách của riêng mình.
Bình luận 0

img

Với việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty Cổ phần Nhất Nam, VinCommerce đã chính thức sở hữu toàn bộ hệ thống gồm 23 siêu thị Fivimart (Ảnh minh họa)

Chia tay “đại gia” nước ngoài, Fivimart “bén duyên” Vingroup

Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup mới đây đã công bố chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart. Thương vụ nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020.

Với việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty Cổ phần Nhất Nam, VinCommerce đã chính thức sở hữu toàn bộ hệ thống gồm 23 siêu thị Fivimart. Đây là một trong những đơn vị bán lẻ đã có hơn 10 năm hoạt động trên thị trường, sở hữu các điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương.

Sau khi hoàn tất việc sáp nhập, hệ thống siêu thị Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart. Bên cạnh việc tiếp tục kinh doanh mảng bán lẻ tiêu dùng, phân phối các mặt hàng thực phẩm, gia dụng, đồ dùng hóa mỹ phẩm…

Các siêu thị mới này sẽ được tăng cường các mặt hàng thực phẩm tươi sống an toàn vốn là đặc trưng của chuỗi VinMart, cũng như bổ sung thêm nhiều sản phẩm phong phú và các nhãn hàng riêng như nông sản VinEco, thực phẩm sơ chế và chế biến VinMart Cook, các mặt hàng tiêu dùng gia đình VinMart Home…

VinCommerce cũng sẽ tiến hành nâng cấp mọi mặt, từ cơ sở vật chất, hàng hoá, chất lượng nhân sự cũng như thống nhất cơ chế quản lý theo tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+ hiện nay. Các khách hàng thân thiết của Fivimart trước đây sẽ được chuyển đổi sang chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết VinID với hàng loạt các ưu đãi trên toàn bộ hệ thống dịch vụ của Tập đoàn Vingroup.

img

Trong chiến lược phát triển của VinCommerce, các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ sẽ mở rộng tới từng khu dân cư để phục vụ đông đảo người tiêu dùng bằng những sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ tận tâm (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về thương vụ M&A với Công ty Cổ phần Nhất Nam, bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng Giám đốc VinCommerce cho biết: “Trong chiến lược phát triển của VinCommerce, các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ sẽ không chỉ có mặt tại toàn bộ các khu đô thị Vinhomes, các trung tâm thương mại Vincom trên cả nước mà đồng thời sẽ mở rộng tới từng khu dân cư để phục vụ đông đảo người tiêu dùng bằng những sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ tận tâm. Thương vụ sáp nhập hệ thống Fivimart là một trong những bước đi để hiện thực hoá kế hoạch này của chúng tôi”.

Sau sát nhập, VinCommerce sẽ sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Mục tiêu của hệ thống tới 2020 sẽ đạt tới 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+.

Trước đó, doanh nghiệp nước ngoài vừa phát đi thông báo về việc hủy hợp tác nghiệp vụ, hợp tác liên kết vốn giữa Công ty CP Cổ phần Aeon và Công ty CP First Việt Nam (Nhất Nam - Fivimart) đang triển khai hoạt động kinh doanh siêu thị tại Việt Nam, sau 3 năm.

Thông cáo nêu rõ, phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của hai công ty có sự khác nhau rõ ràng, vì vậy hai bên đã thương lượng và đi đến thống nhất hủy bỏ hợp tác nghiệp vụ, liên kết vốn.

Đại gia bán lẻ nước ngoài "kết duyên" cùng Công ty CP Nhất Nam từ năm 2015 khi mua lại 30% cổ phần. Thời điểm mới bắt tay hợp tác năm 2015, Fivimart có 10 siêu thị.

Theo một số thông tin, hoạt động hợp tác với đại gia nước ngoài đã giúp doanh thu của Fivimart tăng trưởng khá mạnh, có thời điểm tăng hơn 20%. Dẫu doanh thu tích cực nhưng trong 3 năm qua, công ty này liên tục báo lỗ.

Năm 2015, Fivimart lỗ 60 tỷ đồng; năm 2016, con số lỗ của Fivimart lên tới 96 tỷ đồng, nguyên nhân thua lỗ do chi phí bán hàng lớn hơn cả lợi nhuận gộp (ở mức 280 tỷ đồng) và năm 2017, doanh nghiệp lỗ 23 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart lên tới gần 200 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỷ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty.

Nước cờ trong cuộc đua “ngôi vương” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với mục tiêu trở thành doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng đầu đang từng bước vẽ lại bản đồ bán lẻ Việt Nam.

Đầu tháng 10.2014, Vingroup đã thực hiện một thương vụ đình đám bắt đầu đánh dấu sự bước chân vào hệ thống bán lẻ Việt Nam. Theo đó, Vingroup đã mua lại 70% cổ phần của Công ty CP Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương – Ocean Retail, doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Ocean Mart và Ocean Mart Express. Giá trị của thương vụ lên tới 570 tỷ đồng (70% cổ phần).

Sau đó, Vingroup đã đổi tên doanh nghiệp này Công ty CP Siêu thị VinMart và ra mắt hệ thống siêu thị mới mang tên VinMart và VinMart+.

img

Hệ thống bán lẻ Vinmart (Ảnh minh họa)

Tới ngày 10.4.2015, Công ty CP siêu thị VinMart thuộc Tập đoàn Vingroup đã chính thức ký kết hợp đồng mua lại 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex - trong Công ty TNHH MTV Thương mại và Thời trang Việt Nam – Vinatexmart.

Thời điểm đó, Vinatexmart đang điều hành chuỗi siêu thị với 39 cửa hàng có mặt tại 19 tỉnh thành trên cả nước, hoạt động dưới hình thức siêu thị tổng hợp gồm 5 ngành hàng chính: Dệt may, Thực phẩm công nghệ, Thực phẩm tươi sống, Hóa mỹ phẩm và Hàng gia dụng... trong đó ngành hàng dệt may là ngành hàng chủ lực. Doanh số hàng năm của Vinatexmart đạt khoảng 1.700 tỷ đồng. Như vậy, việc thâu tóm Vinatexmart cách đây 3 năm đã giúp Vinmart nhanh chóng tăng độ phủ sóng ở các tỉnh thành phố.

Sau đó, Vingroup tiếp tục tiến sâu vào thị trường bán lẻ, ra mắt thương hiệu VinPro: Vingroup tiếp tục tiến sâu hơn vào thị trường bán lẻ với việc ra mắt chuỗi siêu thị điện máy với 2 mô hình VinPro và VinPro+. Cụ thể, VinPro là các Trung tâm Công nghệ điện máy trong các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom còn VinPro+ là chuỗi cửa hàng công nghệ tại các tỉnh, thành phố lớn.

"Ông vua" mặt bằng bán lẻ Vincom Retail và hệ sinh thái Vingroup

Không chỉ hướng tới việc sở hữu hệ thống phân phối, bán lẻ ở hàng chục tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam. Năm 2017 còn đánh dấu một bước tiến mới của Tập đoàn Vingroup khi Vincom Retail là thành viên của Tập đoàn Vingroup, sở hữu và quản lý, vận hành các dự án tổ hợp trung tâm thương mại (TTTM) quy mô lớn bậc nhất Việt Nam chính chức lên sàn HOSE với mã chứng khoán VRE.

Thời điểm cổ phiếu VRE lên sàn, Vincom Retail đang quản lý và vận hành 4 thương hiệu nhánh: Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+, trong đó Vincom Mega Mall là siêu TTTM với diện tích trên 100.000 m2.

Trong năm 2017, ước tính Vincom Retail có 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh thành trên cả nước. Tính tới ngày 30.6.2018, Vincom Retail có 51 trung tâm thương mại (TTTM) đang hoạt động tại 28 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, tổng tài sản đạt 36.012 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 27.256 tỷ đồng.

img

Không chỉ hướng tới việc sở hữu hệ thống phân phối, bán lẻ ở hàng chục tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam, Vincom Retail thành viên của Tập đoàn Vingroup đã hiện diện tại 34 tỉnh thành trên toàn quốc, và có tổng diện tích sàn bán lẻ xây dựng khoảng 1,4 triệu m2 (Ảnh minh họa)

Vincom Retail đã khẩn trương chuẩn bị cho việc khai trương 9 dự án TTTM trong quý III.2018 tại các tỉnh thành là Sơn La, Nghệ An, Tân Bình – TP HCM, Thái Nguyên, Nha Trang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nam và đặc biệt là khai trương TTTM Vincom Center Landmark 81 vào ngày 26.7.2018.

Sau khi khai trương thêm các TTTM này, mạng lưới của Vincom Retail dự kiến đạt 60 TTTM, hiện diện tại 34 tỉnh thành trên toàn quốc, và có tổng diện tích sàn bán lẻ xây dựng khoảng 1,4 triệu m2. Kế hoạch từ nay đến hết năm 2021, Vincom Retail hướng tới mục tiêu đạt 200 trung tâm thương mại.

Dù được tạp chí Forbes xếp hạng cao hơn Vingroup về giá trị thương hiệu, song Vincom Retail, cũng như Vinhomes đều sẽ là những mảnh ghép trong hệ sinh thái Vingroup mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng dày công xây dựng gồm bất động sản (Vinhomes), du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl), bán lẻ (Vinmart), giáo dục (Vinschool), y tế (Vinmec), nông nghiệp (Vineco), sản xuất ô tô (VinFast).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem