TP.HCM kêu gọi "không xả rác ra đường và kênh rạch": Còn chung chung, không hiệu quả

P.V Thứ bảy, ngày 06/06/2020 08:00 AM (GMT+7)
Ngày 5/6 vừa qua, Ban tuyên giáo Đảng uỷ Khối doanh nghiệp TP.HCM và Đảng ủy Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước" – tiếng nói của những người trong cuộc.
Bình luận 0

Công nhân môi trường, trăm nỗi cơ cực

TP.HCM kêu gọi "không xả rác ra đường và kênh rạch": Còn chung chung, không hiệu quả - Ảnh 1.

Nữ công nhân Trần Khánh Xuân tâm sự tại hội nghị.

Hội nghị là diễn đàn để các đơn vị và các công nhân, những người trực tiếp làm công tác vệ sinh môi trường tham gia đóng góp, hiến kế, đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh việc kêu gọi người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch.

Vì một TP sạch và giảm ngập nước, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen xả rác bừa bãi ra đường và kênh rạch, sống xanh, sống thân thiện với môi trường và xây dựng TP.HCM sạch và xanh.

Tại hội nghị, những tâm sự của các công nhân môi trường, đã khiến nhiều người xúc động. Các đại biểu đã tận tai nghe kể về những nỗi cơ cực, nhọc nhằn mà các công nhân nếm trải khi làm việc.

Nữ công nhân Trần Khánh Xuân - công nhân Công ty Dịch vụ Công ích quận 1 -  cho biết: "Mỗi ngày, công việc của tôi bắt đầu từ tờ mờ sáng, khi mọi người còn đang say trong giấc ngủ. Công việc vất vả, nhưng tôi nghĩ là phải làm hết mình. Đằng sau những giọt mồ hôi, tôi và đồng nghiệp cũng có những niềm vui, đó là nhìn thấy thành quả lao động của mình - những tuyến đường sạch đẹp, là thấy bản thân được đóng góp một phần bé nhỏ cho TP này".

TP.HCM kêu gọi "không xả rác ra đường và kênh rạch": Còn chung chung, không hiệu quả - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị chuyên đề tại Công ty Môi trường – Đô thị TP.HCM

Thế nhưng, chị Xuân không khỏi tủi thân, khi gặp ai đó, ném túi rác ngay đoạn đường chị vừa quét dọn xong. Quay lại nhắc nhở, người đó ném ra câu nói "nếu tụi tao không vứt rác, thì làm sao có công việc cho tụi bay làm"."Chúng tôi chỉ là công nhân, chẳng có quyền gì để xử phạt họ cả. Thế nên đành phải chấp nhận dọn dẹp lại một lần nữa, trong ngấn lệ tràn ra khoé mắt" – chị Xuân tức tưởi kể.

Tương tự, công nhân Ngô Chí Hùng (Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP) đã bật khóc, khi kể về công việc khó nhọc của công nhân vệ sin: "26 năm làm nghề nạo vét cống, nghĩ tới công nhân bọn tôi dầm mình trong lòng cống hàng ngày, đã thấy rùng mình".

Có lần, đang móc cống, anh Hùng hứng phải cả suối nước sôi từ công trình hay nhà máy đổ thẳng ra làm phỏng tay chân; hay những lúc đang hốt bùn, phải chạy vội lên bờ vì phân hầm cầu dội xuống cống... Vất vả, cực nhọc như vậy, nhưng nhiều người dân vẫn không hiểu, không trân trọng, lại vô ý thức thản nhiên vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống.

TP.HCM kêu gọi "không xả rác ra đường và kênh rạch": Còn chung chung, không hiệu quả - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Minh Nhựt – Giám đốc Công ty Môi trường – Đô thị TP.HCM tại buổi phát động cuộc thi báo chí về môi trường.

Còn nặng hô hào, chung chung, không hiệu quả

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xác định 7 chương trình đột phá, trong đó có "Chương trình giảm ô nhiễm môi trường".

TP.HCM kêu gọi "không xả rác ra đường và kênh rạch": Còn chung chung, không hiệu quả - Ảnh 4.

Công nhân vệ sinh lòng cống ở TP.HCM.

Đặc biệt, ngày 19/10/2018, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 19 về thực hiện cuộc vận động  trên. Với mục tiêu là kêu gọi các tổ chức và mọi người dân hãy chung tay hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tiến tới chấm dứt tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch, làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, tắt hệ thống thoát nước và kênh rạch, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân và mỹ quan đô thị của TP.

Đây là cuộc vận động sâu sắc và toàn diện, dựa trên truyền thống đoàn kết, sáng tạo của nhân dân TP; với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của chính quyền các cấp, của các doanh nghiệp và sự tham gia mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu - Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, Đảng bộ và chính quyền TP.HCM kêu gọi các tầng lớp người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP.HCM sạch và giảm ngập nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc vận động còn nhiều thách thức đặt ra, kết quả đạt được không như mong muốn. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện tại một số đơn vị còn thiếu chiều sâu, tính lan tỏa chưa cao. Việc đăng ký cam kết "không xả rác ra đường và kênh rạch", còn chung chung, thiếu tính cụ thể.

Nhiều tổ chức, gia đình còn lúng túng trong công tác phân loại rác, xử lý rác đã phân loại theo đúng quy định.

TP.HCM kêu gọi "không xả rác ra đường và kênh rạch": Còn chung chung, không hiệu quả - Ảnh 5.

Công nhân Công ty MTĐT đang đưa chất thải nguy hại vào lò tiêu huỷ.

Trong khi đó, ông Cao Văn Tuấn – Trưởng phòng kiểm tra chất lượng (Công ty TNHH MTV Môi trường – Đô thị TP.HCM – cho rằng: "Đặc thù là doanh nghiệp nên bị hạn chế trong việc áp dụng biện pháp chế tài (không có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường khi xảy ra trong khuôn viên quản lý của đơn vị).

Vì vậy, hiệu quả của  việc vận động thuyết phục và chế tài không được thực hiện đồng bộ. Đồng thời, công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương để xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường; tuy có thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao, do có nơi địa phương chưa mạnh tay, chưa xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm".

Ngoài ra, một số chính sách, quy trình, định mức, đơn giá để các đơn vị thực hiện dịch vụ công ích. Trong đó, có công tác quét, thu gom, vận chuyển, xử lý rác, nước thải, hay mối quan hệ, phối hợp giữ thu gom rác dân lập và công lập hiện nay... vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn tại TP.HCM, làm giảm hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường. Đòi hỏi cần phải bổ sung, sửa đổi phù hợp hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem