TP.HCM: Không tiêm vaccine Covid-19, người dân phải ký giấy cam kết chịu trách nhiệm
TP.HCM: Không tiêm vaccine Covid-19, người dân phải ký giấy cam kết chịu trách nhiệm
Bạch Dương
Thứ bảy, ngày 25/06/2022 17:25 PM (GMT+7)
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn yêu cầu các cơ quan, ban ngành, quận huyện cùng các tổ chức chính trị xã hội tăng cường thực hiện chiến dịch truyền thông vận động người dân tiêm vaccine phòng Covid-19.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức giao Ban Quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp, các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp… tiếp tục đẩy mạnh tăng cường truyền thông, vận động người lao động tiêm vaccine; tiếp tục lập danh sách người lao động đủ điều kiện tiêm mũi nhắc lại lần 2 để phối hợp UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện nơi đơn vị trú đóng để tổ chức tiêm vaccine ngay tại nơi làm việc tạo điều kiện thuận tiện cho người lao động.
Sở Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ khẩn trương phối hợp Tổng Công ty Viễn thông Viettel - Chi nhánh Viettel Hồ Chí Minh, căn cứ dữ liệu trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 chủ động nhắn tin đến từng người dân đến các điểm tiêm đã được ngành y tế công khai trên Cổng thông tin để được tiêm nhắc lại nếu đủ điều kiện.
Sở Y tế bên cạnh việc công khai danh sách điểm tiêm cố định, điểm tiêm lưu động, cần công khai kết quả tiêm vaccine phòng Covid-19 của từng quận, huyện, TP.Thủ Đức hằng ngày lên Cổng thông tin điện tử ngành y tế để công khai cho người dân được biết.
UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo trung tâm y tế trên địa bàn khẩn trương tiếp nhận hết vaccine đã được phân bổ để hoàn tất việc tiêm chủng cho người dân, đảm bảo trên 90% dân số trên địa bàn được tiêm mũi 3 và các đối tượng phù hợp tiêm mũi 4 được tiêm đầy đủ theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, chủ động thực hiện các biện pháp hữu hiệu để tuyên truyền đến người dân, thực hiện tiêm chủng hết vaccine đã được phân bổ, không để xảy ra tình trạng hủy vaccine do hết hạn sử dụng.
Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về tiêm vaccine và phòng chống dịch, người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, đồng thời báo cáo số lượng người dân không đồng ý tiêm về Sở Y tế.
Trước đó, ngày 14/6, TP.HCM đã phát động tháng cao điểm tăng cường tiêm chủng phòng chống Covid-19 cho người dân. Tuy nhiên đến thời điểm này, công tác tiêm mũi 3, mũi 4 đang chậm, đa phần người dân có tâm lý dịch đã lắng xuống nên không cần tiêm nữa.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chưa đồng thuận cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm chủng, do đó chỉ khoảng 50% trẻ tuổi này được tiêm.
Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh BA.2, BA.2.3, BA.2.3.2, trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và có nguy cơ xâm nhập nước ta, có thể dẫn tới gia tăng các ca Covid-19 trong thời gian tới.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, vai trò của vaccine có hiệu quả rất lớn, tuy nhiên hiện nay nhiều người đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh từ 6-8 tháng qua nhưng vẫn chưa tiêm nhắc lại. Nếu các biến thể Covid-19 khác tiến hóa hoặc xâm nhập sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Bộ Y tế nhấn mạnh việc cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới; nâng cao công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến chủng mới của Covid-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi để ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu.
Đồng thời nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc Covid-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở. Tăng cường giám sát, có các biện pháp đồng bộ giảm thiểu ảnh hưởng sau điều trị Covid-19..
Vui lòng nhập nội dung bình luận.