TP.HCM làm đầu tàu phát triển cơ khí nông nghiệp cho ĐBSCL

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 27/09/2019 13:20 PM (GMT+7)
TP.HCM cần phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu là trung tâm cơ khí hiện đại của cả nước trong việc hỗ trợ cơ khí hóa cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển.
Bình luận 0

Đây là ý kiến được nhiều người đề xuất tại Hội thảo khoa học Cơ khí nông nghiệp thông minh cho ĐBSCL, do UBND TP.HCM và Trường Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) tổ chức ngày 27/9.

img

ĐBSCL không còn nhiều dư địa để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng suất với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay. Ảnh: Nguyên Vỹ

Phần lớn tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cho đến nay đều dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất khác trong nông nghiệp. Điều này gây tác động xấu đến môi trường, đất và nguồn nước.

Trong khi đó, ĐBSCL gần như không còn dư địa để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng suất với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay. Cơ khí hóa, hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất chính là chìa khóa giúp nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp ĐBSCL nói riêng.

img

Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo còn thấp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo nghiên cứu của ĐHQG-HCM, tại lĩnh vực thế mạnh là lúa gạo, hiện nay trình độ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bước đầu đã cơ giới hóa các khâu làm đất và thu hoạch. Tuy nhiên, ở các khâu còn lại mức độ ứng dụng máy nông nghiệp còn thấp.

Thêm vào đó, trong điều kiện máy mới nhập ngoại có giá thành cao, hầu hết người dân chấp nhận dùng máy cày máy kéo cũ đã qua sử dụng. Nhóm máy này có hệ số tiêu tốn nhiên liệu cao, độ ổn định hoạt động không đảm bảo dẫn đến chi phí sản xuất cao. Tổn thất sau thu hoạch lúa vẫn còn ở mức 13% đến 14% về số lượng và hơn 12% về giá trị.

Bên cạnh các hạn chế về trang thiết bị, máy móc thì quá trình lao động thủ công cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường và sức khỏe người nông dân. Việc bón phân thủ công quá mức, thiếu kiểm soát đã tạo ra tồn dư dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

img

Quá trình lao động thủ công cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường và sức khỏe người nông dân. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy nhiên, những khó khăn nêu trên lại chính là cơ hội cho việc phát triển ngành cơ khí trong sản xuất lúa gạo.

Tại TP.HCM, Công ty TNHH Cơ Khí Bùi Văn Ngọ là một trong những đơn vị hàng đầu về máy móc nông nghiệp phục vụ cho vùng ĐBSCL cũng như xuất khẩu. Ông Nguyễn Thể Hà – Giám đốc đầu tư của đơn vị này đánh giá, TP.HCM có truyền thống cơ khí từ lâu trên cả nước.

Muốn làm nông nghiệp thông minh thì phải làm cơ khí trước. Ông Hà cho rằng đầu não cơ khí của cả nước chính là ở TP.HCM. Làm cơ khí là phải làm ở TP.HCM. Nhưng hiện thành phố chưa phát huy hết nội lực của ngành cơ khí trong nông nghiệp. TP.HCM cần cơ chế hỗ trợ để phát huy hơn nữa vai trò này.

img

TP.HCM cần phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu phát triển cơ khí hóa nông nghiệp cho ĐB.SCL. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Công ty sẵn sàng liên kết với các trường đại học, các nhà nông học để đẩy mạnh phát triển mạng lưới cơ khí nhỏ lẻ ở các địa phương, tiến tới xây dựng mạng lưới khắp ĐBSCL. Hậu cần hỗ trợ kỹ thuật sẽ là TP.HCM”, ông Hà nói.

Ông Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc trường ĐHQG-HCM cho biết TP.HCM là đối tác phát triển của ĐBSCL. Và ngược lại, cần có sự kết nối nhiều mặt giữa TP.HCM và ĐBSCL.

Với lợi thế tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, với rất nhiều trường đại học, cao đẳng; TP.HCM rất phù hợp để trở thành trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng máy móc thiết bị và khoa học công nghệ cả vùng ĐBSCL.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem