TP.HCM nguy cơ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 09/07/2022 14:54 PM (GMT+7)
Ngày 9/7, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết nghị quyết 53 và kết luận số 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình luận 0
TP.HCM nguy cơ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Hội nghị tổng kết nghị quyết 53 ngày 9/7. Ảnh: P.V

Hệ thống giao thông đang quá tải

Theo Thủ tướng, Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đối với nước ta và khu vực.

Các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ đóng góp GRDP chiếm 35% của cả nước, đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách của nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,58 lần và tỷ lệ đô thị hóa gấp 1,8 lần của cả nước.

"Việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 53 và kết luận số 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt, và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển mạnh, đi đầu cả nước, là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực", Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá, giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế phát triển theo. Vùng Đông Nam bộ là vùng tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước chính là nhờ hệ thống giao thông ở khu vực này tương đối tốt so với khu vực khác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, trong khoảng 20 năm qua, tốc độ phát triển giao thông ở vùng này rất chậm so với tốc độ phát triển kinh tế. Do đó, trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở vùng Đông Nam bộ ngày càng chậm lại.

"Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống giao thông hiện nay rất quá tải", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, TP.HCM là một đô thị lớn nhất cả nước nhưng tất cả các cửa ngõ của thành phố hiện nay đang ách tắc. Điều này cho thấy TP.HCM đang thiếu những tuyến đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố và kết nối với các tỉnh thành trong khu vực. Trung tâm TP.HCM cũng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Đồng thời, cũng thiếu những tuyến đường trục Bắc – Nam, Đông – Tây mang tính chất đường chính để đáp ứng nhu cầu hiện tại.

"Nếu tình hình này không giải quyết được thì chắc chắn TP.HCM trở thành một đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, có thể trong khu vực Đông Nam Á", ông Thể khuyến cáo.

Do đó đòi hỏi cấp thiết nhất hiện nay đó là TP.HCM phải quan tâm đặc biệt đến hệ thống giao thông trục chính, giao thông vành đai để tháo gỡ những khó khăn.

Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây sẽ tiếp tục mở rộng

Đối với giao thông liên vùng, Bộ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận hiện nay rất bất cập. Đường Vành đai 2 rất quan trọng đối với TP.HCM nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được khép kín. Đường Vành đai 3 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương triển khai; đường Vành đai 4 rất quan trọng với TP.HCM nhưng cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Các tuyến đường cao tốc liên vùng như cao tốc TP.HCM - Cần Thơ đang ùn tắc và sắp tới cần phải mở rộng; cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây cũng đang quá tải; cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành,… cũng mới có kế hoạch, chưa triển khai.

TP.HCM nguy cơ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: P.V

TP.HCM có hệ thống cảng biển lớn nhưng đường kết nối xuống các cảng biển không đáp ứng, đảm bảo. Dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ ra, cảng Cát Lái là cảng lớn nhất trong khu vực Đông Nam bộ nhưng các con đường vào cảng luôn tắc nghẽn, nhất là vào giờ cao điểm. TP.HCM cũng gần cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong những cảng tốt nhất ở Việt Nam và khu vực nhưng đường vào cảng, nhất là đường kết nối cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chưa triển khai.

"Tiềm năng rất lớn nhưng khai thác cảng rất hạn chế", Bộ trưởng Thể nhận định.

Đường hàng không hiện nay quá tải liên tục tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. "Một trong những giải pháp quan trọng cho vùng này là tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Nếu chúng ta không làm điều này, đầu tàu kinh tế sẽ chạy chậm dần và có thể trở thành gánh nặng khi các khu vực khác phát triển hơn", ông Thể khuyến cáo.

Bộ trưởng GTVT đề nghị TP.HCM nhanh chóng khép kín tuyến đường Vành đai 2; riêng đường Vành đai 3 quyết liệt phối hợp với các cơ quan để đến năm 2025-2026 hoàn thành để kết nối với các tỉnh trong vùng. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin sẽ triển khai cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (khoảng 20.000 tỷ đồng) hoàn thành vào năm 2025.

Đối với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, trong 1-2 năm tới sẽ hoàn thành. Ngoài ra, TP.HCM và Tây Ninh cũng cần ưu tiên sớm triển khai tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài… Đối với tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây sẽ tiếp tục mở rộng để đảm bảo giao thông; cùng với đó nâng cấp cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem