TP.HCM: Phải xử nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà dân

Hồ Văn Thứ năm, ngày 15/03/2018 12:20 PM (GMT+7)
Tại phiên họp HĐND TP.HCM kỳ họp thứ 7, Ban Pháp chế đưa ra kiến nghị, cần tăng cường thanh tra công vụ, chấn chỉnh kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có thái độ, hành vi nhũng nhiễu, phiền hà người dân và xử lý nghiêm minh những cán bộ công chức vi phạm, đảm bảo sự trong sạch của bộ máy.
Bình luận 0

Sáng 15.3, HĐND TP.HCM đã tiến hành kỳ họp thứ 7 (kỳ họp bất thường) về chuyên đề "Cải cách hành chính nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn TP” và triển khai thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

img

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (bên phải) trao đổi với Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: Hồ Văn

Theo báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế HĐND TP.HCM, tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính năm 2017 đạt trên 80%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đối với tổng số thủ tục hành chính được giải quyết đạt trên 95%...

“Tuy nhiên, việc tổ chức khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp ở các đơn vị còn nặng về hình thức, chưa phản ánh thực chất sự hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công”, ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM cho biết.

Một ví dụ điển hình mà Ban pháp chế đưa ra là, qua khảo sát các Kiosk - thiết bị cảm ứng khảo sát đánh giá sự hài lòng do Sở Y tế TP.HCM đặt tại các bệnh viện sẽ bị ngắt nối mạng sau 16 giờ 30 phút, vì vậy người bệnh khám ngoài giờ không thể thực hiện việc đánh giá sự hài lòng khi đến khám.

Bênh cạnh đó, giao diện khảo sát trên thiết bị còn phức tạp, có lúc bị treo làm mất thời gian của người dân. Các phiếu khảo sát định kỳ tại các đơn vị lại yêu cầu người dân điền thông tin cá nhân, điều này làm người dân e ngại khi thực hiện việc khảo sát hoặc làm cho xong và sẽ cho kết quả đánh giá sự hài lòng không khách quan.

img

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong (bên trái) và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đang trao đổi với nhau bên lề kỳ họp. Ảnh: Hồ Văn

Cũng theo Ban pháp chế, việc thực hiện một cửa liên thông chỉ mới thực hiện tốt trong phạm vi nội bộ từng sở, ngành, quận-huyện; một số thủ tục giải quyết thường trễ hạn, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Theo báo cáo, năm 2017 tại Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM còn 32.108 hồ sơ trễ hạn trong lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, sự phối hợp tại các cơ quan như ngành thuế, hải quan và một số cơ quan liên ngành Trung ương… còn chưa đồng bộ.

Ban Pháp chế cũng đưa ra kiến nghị, cần tăng cường thanh tra công vụ, chấn chỉnh kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có thái độ, hành vi nhũng nhiễu, phiền hà người dân và xử lý nghiêm minh những cán bộ công chức vi phạm, nhằm đảm bảo sự trong sạch của bộ máy. Ngoài ra, đánh giá sự hài lòng của người dân phải đảm bảo hiệu quả, thực chất, không hình thức…

img

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (hàng đầu, bên phải) trao đổi với các đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: Hồ Văn

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, phiên họp lần này cũng xem xét quyết định các vấn đề chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách TP, quyết định mức phí tạm dừng đỗ xe ô tô trên lòng đường hè phố, điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP, thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức viên chức thuộc bộ phận quản lý nhà nước các tổ chức chính trị, chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý; quyết định chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học sáng tạo trẻ giai đoạn 2018 - 2022,… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem