TP.HCM: Phát hiện 4 ca đậu mùa khỉ trong một ngày, lo ngại nguồn lây trong cộng đồng?
TP.HCM: Phát hiện 4 ca đậu mùa khỉ trong một ngày, lo ngại nguồn lây trong cộng đồng?
Bạch Dương
Chủ nhật, ngày 08/10/2023 13:06 PM (GMT+7)
Ngày 8/10, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo nhanh tình hình và các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn cho UBND TP.HCM, trong đó đáng quan tâm là bệnh đậu mùa khỉ.
Theo đó, chỉ trong ngày 6/10, TP.HCM phát hiện thêm 4 ca mắc mới đậu mùa khỉ. Tổng số ca mắc đậu mùa khỉ tại TP.HCM đến nay là 13 ca (trong đó có 1 ca phát hiện tại Đài Loan vào tháng 7/2023, 2 ca xâm nhập). Hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ đang được cách ly, điều trị ổn định.
Công tác giám sát phát hiện sớm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang được ngành y tế TP.HCM tăng cường.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM điều tra dịch tễ chưa ghi nhận có sự liên quan giữa các ca đậu mùa khỉ nội địa, vẫn tiếp tục truy nguồn lây và đang tìm hiểu nguyên nhân khiến các ca đậu mùa khỉ liên tục xuất hiện thời gian gần đây.
Trong khi đó, ngành y tế đang triển khai cách biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn. Các cơ sở điều trị da liễu, phòng khám tư được cảnh báo lưu ý, phát hiện sớm ca bệnh và điều trị tránh tử vong. Cơ sở điều trị cũng không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế. Tất cả trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân dương tính đậu mùa khỉ được điều tra kỹ để xác định nguồn lây nhiễm nhằm xử lý kịp thời ổ dịch, tránh lây lan rộng ra cộng đồng.
Trước mắt, HCDC xác định 4 ca đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên đều không đi nước ngoài hoặc tiếp xúc với người nước ngoài trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng. 21 ngày là thời gian ủ bệnh tối đa nếu nhiễm virus đậu mùa khỉ. Hiện chưa rõ nguồn lây bệnh cho các ca bệnh gần đây.
Các chuyên gia y tế cho rằng các ca đậu mùa khỉ lây nhiễm nội địa chứng tỏ bệnh đã du nhập vào Việt Nam và đang lưu hành trong cộng đồng, âm thầm lây lan qua nhiều thế hệ, trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng mạnh ở Thái Lan và Trung Quốc.
Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu, dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Bệnh thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể biểu hiện bằng các nốt ban chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy.
Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.
Đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ, bao gồm qua tiếp xúc mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục.
HCDC khuyến cáo người dân phòng bệnh bằng cách che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ, cần liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Người này cũng chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Tránh tiếp xúc gần với người mắc đậu mùa khỉ và tiếp xúc trực tiếp vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh. Trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
Người đến các quốc gia có dịch đậu mùa khỉ nên tránh tiếp xúc với động vật có vú như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay về Việt Nam, nên chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để theo dõi.
Hiện Việt Nam chưa có vaccine và thuốc đặc trị cho đậu mùa khỉ, chỉ có vaccine bệnh đậu mùa.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ hai trên địa bàn. Đó là bệnh nhân L.M.T. (19 tuổi, khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Trước đó, T. có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được xác nhận tại TP.HCM là N.T.S. (22 tuổi, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM). L.M.T. đã đến khám tại Bệnh viện Quốc tế Becamex và có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ; đang được cách ly, điều trị tại khoa nhiễm, Trung tâm Y tế thành phố Thuận An.
Hiện Sở Y tế tỉnh Bình Dương đang khẩn trương làm việc với Trung tâm Y tế thành phố Thuận An để có giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Trước đó, vào ngày 23/9, Bình Dương ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên là bệnh nhân N.K.L. (sinh năm 2001, thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên), là bạn gái của ca mắc đậu khỉ tại TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.