TP.HCM: Phê duyệt bồi thường cho 300 hộ dân thuộc khu 4,3 ha ở Thủ Thiêm

Quốc Hải Thứ năm, ngày 11/06/2020 20:09 PM (GMT+7)
Hơn 300 hộ dân thuộc khu 4,39 ha ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm được phân loại từng trường hợp để áp dụng nguyên tắc bồi thường…
Bình luận 0
TP phê duyệt bồi thường cho 300 hộ dân thuộc khu 4,3 ha ở Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao (Ảnh: Zing).

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký văn bản số 1945/QĐ-UBND phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất trong phần diện tích 43.957,6 m2 thuộc một phần Khu phố 1, Phường Bình An, Quận 2. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng phê duyệt 3 khu đất tại phường Bình Khánh để phục vụ công tác bồi thường.

Ngoài ra, UBND quận 2, Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm cũng đã chuẩn bị 198 nền đất, đang hiệp thương và để người dân nhận nền.

Cụ thể, với chính sách bồi thường, theo quyết định của UBND TP, đối với những trường hợp có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ về quyền sử dụng đất ở (kể cả phần diện tích thuộc lộ giới đã được nhà nước bán hóa giá theo phương thức bảo tồn vốn bằng vàng), được giao đất ở mới tương đương với diện tích đất ở đã được công nhận.

Trường hợp không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ về quyền sử dụng đất ở nhưng sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, được giao đất ở mới theo nguyên tắc tương đương nhưng không quá 200 m2; phần diện tích còn lại (nếu có) hoặc các trường hợp sử dụng đất ở ổn định từ ngày 15/10/1993 trở về sau, được giao đất ở mới theo nguyên tắc tương đương nhưng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại thời điểm tháng 9/2018.

Đối với đất nông nghiệp (trong khuôn viên đất ở hoặc đất nông nghiệp trong khu dân cư tập trung) có giấy tờ hợp pháp hoặc không có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất nhưng đã sử dụng ổn định có nguồn gốc không lấn chiếm, không tranh chấp thì được xem xét chuyển mục đích sử dụng thành đất ở (nhưng hộ dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại thời điểm tháng 9/2018) để được giao đất ở mới theo nguyên tắc tương đương.

Về hỗ trợ, tái định cư (theo phương thức giao nhà ở, đất ở mới) đối với trường hợp sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (bao gồm cả phần diện tích lộ giới có nguồn gốc thuộc khuôn viên căn nhà sở hữu Nhà nước nhưng không được xét bán hóa giá, hộ dân sử dụng ổn định, không tranh chấp, lấn chiếm), thực hiện giao đất ở mới theo tỷ lệ quy đổi 60%. Trường hợp diện tích sau khi quy đổi nhỏ hơn 36 m2 thì được giao căn hộ chung cư theo hệ số hoán đổi. Trường hợp diện tích sau khi quy đổi từ 36 m2 - 200 m2 thì được giao nền đất theo hệ số hoán đổi; phần diện tích sau khi quy đổi lớn hơn 200 m2 (nếu có) được nhận chênh lệch diện tích bằng tiền theo đơn giá tại Quyết định số 1515/QĐ-UBND ngày 7/5/2020 của UBND TP.

Đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm, thực hiện giao đất ở mới theo tỷ lệ quy đổi 40% (trường hợp chuyến mục đích sử dụng thành đất ở trước ngày 15/10/1993) và theo tỷ lệ quy đổi 30% (trường hợp chuyển mục đích sử dụng thành đất ở từ sau ngày 15/10/1993). Trường hợp diện tích sau khi quy đổi nhỏ hơn 36 m2 thì được giao căn hộ chung cư theo hệ số hoán đổi. Trường hợp diện tích sau khi quy đổi từ 36 m2 - 200 m2 thì được giao nền đất theo hệ số hoán đổi; phần diện tích sau khi quy đổi lớn hơn 200 m2 (nếu có) được nhận chênh lệch diện tích bằng tiền theo đơn giá tại Quyết định số 1515/QĐ-UBND ngày 7/5/2020 của UBND TP.

Tuy nhiên, đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm nhưng sau đó chủ sử dụng đã được ký hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước, thực hiện giao đất ở mới theo tỷ lệ quy đổi 50% (trường hợp chuyển mục đích sử dụng thành đất ở trước ngày 15/10/1993) và theo tỷ lệ quy đổi 40% (trường hợp chuyển mục đích sử dụng thành đất ở từ sau ngày 15/10/1993). Trường hợp diện tích sau khi quy đổi nhỏ hơn 36 m2 thì được giao căn hộ chung cư theo hệ số hoán đổi. Trường hợp diện tích sau khi quy đổi từ 36 m2 - 200 m2 thì được giao nền đất theo hệ số hoán đổi; phần diện tích sau khi quy đổi lớn hơn 200 m2 (nếu có) được nhận chênh lệch diện tích bằng tiền theo đơn giá tại Quyết định số 1515/QĐ-UBND ngày 7/5/2020 của UBND TP.

TP phê duyệt bồi thường cho 300 hộ dân thuộc khu 4,3 ha ở Thủ Thiêm - Ảnh 2.

Các phương án hỗ trợ cho việc ngừng sản xuất kinh doanh tại khu 4,39 ha (Ảnh: Q.H).

Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân cũng được bồi thường, hỗ trợ về nhà, công trình xây dựng và vật kiến trúc khác trên đất; hoa màu, cây trồng; tài sản khác cũng như hỗ trợ thêm các khoản như ổn định về đời sống (hỗ trợ một lần 1 triệu đồng cho mỗi nhân khẩu có hộ khẩu thường trú tại căn nhà phải di chuyển đối với người có hộ khẩu gốc tại TP.HCM, người có thời hạn tạm trú tối thiểu 5 năm; người được cấp sổ tạm trú dài hạn – KT3; chi phí tháo dỡ, di dời nhà (hộ gia đình phải tháo dỡ toàn bộ căn nhà được hỗ trợ 10 triệu đồng, trường hợp giải tỏa một phần không phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ 5 triệu đồng); thiệt hại do ngừng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thêm cho người chấp hành tốt di dời...

Được biết, Dự án KĐTM Thủ Thiêm được quy hoạch từ năm 1996, quy mô 930 ha, hiện đã giải phóng được 99,7% mặt bằng nhưng vẫn còn hàng trăm hộ dân khiếu nại vì cho rằng thành phố sai khi thu hồi đất của họ.

Trong hai kết luận 1483 (ngày 4/9/2018) và 1037 (ngày 26/6), Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND TP.HCM và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai dự án như: Thu hồi sai 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch; giao đất quy hoạch tái định cư cho 51 doanh nghiệp làm dự án... Thành phố bị yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng bị cho là tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng quy định...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem