Ông Dương Anh Đức nhận định, qua 3 tuần giãn cách vừa qua, ổ dịch Covid-19 lớn nhất là điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng với hơn 520 ca mắc đã cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố đã phát sinh nhiều ổ dịch phức tạp mới, đặc biệt tại quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Qua 1 tuần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, TP nhận thấy việc thực hiện giãn cách chưa thật sự nghiêm, cần phải có các biện pháp mạnh hơn. TP cần tăng cường việc giãn cách, tăng cường tốc độ xử lý các ổ dịch phát sinh để có thể chặn đứng tốc độ lây lan của dịch.
UBND TP đã quyết định thực hiện biện pháp mạnh ở một số khu vực trọng điểm: Phong tỏa 3 khu phố (2, 3, 4) thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân và phong tỏa ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, một phần ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn từ 0h ngày 20/6 trong thời gian 2 tuần.
"Phong tỏa tức là người dân không đi ra, vào khu vực, ngay trong khu phong tỏa cũng phải giãn cách, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết", ông Đức nói.
Trước các câu hỏi thành phố có áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 hay tăng cường thêm biện pháp ở mức độ cao hay không, ông Đức cho biết, thành phố sẽ cân nhắc những quy định, áp dụng những biện pháp cụ thể phù hợp với thực trạng hiện nay, không căn cứ toàn bộ theo các chỉ thị mà dựa trên các quy định của Bộ Y tế về đánh giá mức độ nguy cơ của các địa phương (3 mức: bình thường mới, có dịch, nguy cơ cao). Ngoài các khu vực phong tỏa, cơ bản trên toàn thành phố đánh giá ở mức nguy cơ cao và sẽ áp dụng mức tương ứng.
Giải thích vì sao không áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn quận Bình Tân và Hóc Môn, ông Đức cho rằng, phong tỏa nghĩa là nội bất xuất ngoại bất nhập, nếu áp dụng cho một địa phương lớn thì sẽ rất khó khăn cho người dân trên địa bàn. Phương châm chống dịch là mỗi lần làm đều rút kinh nghiệm, lần sau tốt hơn lần trước, khoanh vùng rộng rồi thu hẹp lại, tránh ảnh hưởng tối đa đến cuộc sống người dân.
Ông Đức giải thích, tình hình trên địa bàn từng quận huyện khác nhau, dù số ca mắc trên địa bàn quận Bình Tân lớn, trên 200 ca nhưng gần như chỉ tập trung ở phường An Lạc và những điểm đã phong tỏa từ trước, còn ở những phường khác thì khá ổn định. Vì thế, TP chỉ áp dụng phong tỏa triệt để 3 khu phố của phường An Lạc để trong thời gian ngắn nhất cắt đứt các chuỗi lây nhiễm có thể có trong khu vực này.
Các khu vực còn lại của thành phố vẫn duy trì giãn cách theo Chỉ thị 15, bổ sung thêm một số quy định để thực hiện nghiêm giãn cách, giảm thiểu lây lan, thêm các biện pháp về chuyên môn để dập dịch hiệu quả như nâng năng lực xét nghiệm lên 500.000 mẫu/ngày để quét nhanh những khu vực nguy hiểm.
"Kỳ vọng sau 1 tuần sẽ nhìn rõ và xác định đầy đủ các mối nguy cơ còn tiềm ẩn, đồng thời quay lại test những nơi đã tầm soát trước đó. Hôm nay test âm tính nhưng không có nghĩa 3, 5 ngày hay 1 tuần sau sẽ không dương tính. Việc xét nghiệm phải được lặp lại để kiểm soát chặt", ông Đức cho biết.
Trước tình hình các ca bệnh đang tăng lên nhanh chóng, ông Đức khẳng định, hiện nay công tác phòng chống dịch vẫn đang được các cơ sở y tế của thành phố và các cơ quan y tế Trung ương đóng trên địa bàn xử lý, chưa cần kêu gọi hỗ trợ nguồn lực từ các địa phương khác. TP đã chuẩn bị tình huống sẵn sàng khi có 5.000 ca bệnh.
"TP rất cần sự hợp tác của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để vượt qua thời gian tương đối khó khăn này. Thời gian sắp tới rất quan trọng để chặn được đợt dịch. Chủ tịch UBND TP đã giao thủ trưởng các đơn vị, địa phương đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc", ông Đức nói.
Ông Đức nhấn mạnh, TP ý thức được rằng, khi thực hiện giãn cách, đặc biệt ở những khu vực phong tỏa, đời sống của người dân sẽ có nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp, đơn vị sẽ lao đao. TP đã hoàn thiện và trình HĐND trong kỳ họp tới (ngày 23/6) để ra nghị quyết gói hỗ trợ mới cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.