Rau củ, thịt cá không thiếu nhưng giá tăng chóng mặt
TP.HCM: Rau củ, thịt cá không thiếu nhưng giá vẫn cao chót vót
Hồng Phúc
Thứ bảy, ngày 10/07/2021 15:08 PM (GMT+7)
Rau củ quả, thịt cá tại hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở TP.HCM vẫn đầy ắp. Tổng lượng hàng các loại về TP tiếp tục tăng nhưng giá rau xanh tại chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn tăng vọt.
Ngày 10/7 - ngày thứ hai TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu các loại tại các cửa hàng, siêu thị mini, siêu thị lớn đều dồi dào trên quầy kệ. Ghi nhận cũng cho thấy, sức mua của người dân giảm so với hôm qua và giảm rõ rệt so với 2-3 ngày trước giãn cách.
Cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh) vẫn còn người xếp hàng chờ vào mua hàng nhưng số lượng rất ít, chỉ 1-2 người. Hàng hóa bên trong đầy ắp, bên ngoài xe tải chở hàng đến liên tục. Một bà nội trợ cho hay, hàng vẫn còn nhiều đến mức phân vân, không biết lựa rau gì.
Trong khi đó, nhiều cửa hàng Vissan, Hà Hiền, Co.op Food, Satrafood, VinMart+… tại quận Bình Thạnh, Gò Vấp cũng không còn cảnh người dân nối đuôi xếp hàng bên ngoài. Việc mua sắm thuận tiện hơn, rau xanh các loại, thịt heo, thịt gà cũng còn rất nhiều.
Nhân viên một cửa hàng Satrafoods trên đường Phan Văn Trị cho biết từ sáng nay, khách giảm hẳn, giỏ hàng của người dân cũng mua ít hơn.
Trong khi đó, siêu thị Emart (quận Gò Vấp) cũng rất trống các quầy hàng bên trong. Thực phẩm tươi sống các loại, bánh mì, thức ăn chế biến sẵn được mua nhiều nhất. Dù không mở hết các quầy thanh toán nhưng một số nhân viên vẫn đợi khách, không còn cảnh xếp hàng dài như trước.
Trong khi đó, ở kênh bán lẻ truyền thống, rất nhiều chợ tại các quận huyện đều đang phải đóng cửa để đáp ứng các yêu cầu phòng dịch.
Một số hộ kinh doanh rau củ quả các loại trên đường Phan Văn Trị vắng khách, hàng đến trưa còn nhiều. Theo người bán, giá rau xanh đang tăng mạnh. Cụ thể, rau xanh các loại từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, bắp cải 40.000 đồng/kg, dưa leo, khổ qua 50.000 - 60.000 đồng/kg. So với hôm qua, vẫn giữ giá nhưng so với một tháng trước, gần như tăng gấp đôi.
Theo người bán, nguyên nhân giá rau củ tăng do nguồn hàng về TP.HCM ít hơn trước, chi phí vận chuyển tăng, chưa kể chi phí xét nghiệm Covid-19 cho tài xế.
Sở Công Thương lý giải giá rau tăng
Sở Công Thương TP.HCM cho biết, ngày 9/7, tổng lượng rau củ quả về các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa xung quanh các chợ đầu mối, bán trực tiếp qua kênh điện thoại ước khoảng 1.426 tấn. Sản lượng thịt cung ứng ra thị trường đạt 1.086,6 tấn, trong đó có 652 tấn giết mổ tại TP, 118 tấn nhập từ Long An, 316,6 tấn là sản phẩm thịt từ các nguồn khác.
Như vậy, tổng lượng hàng đạt 2.791 tấn, tăng hơn 32% so với ngày 8/7. Trong đó, thịt gia súc đạt 1.086,6 tấn, tăng 262%; thủy hải sản: 278,5 tấn, tăng 457%; rau củ quả, trái cây 1.426 tấn. Thống kê cũng cho thấy giá thịt heo pha lóc tăng khoảng 5%, mặt hàng rau củ quả tăng khoảng 10-20%.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, nguyên nhân là số lượng chợ tạm dừng hoạt động tăng cao, các tiểu thương không nhập hàng về nhiều, trong một số thời điểm khách đông, lượng hàng còn ít, tiểu thương không có kế hoạch bổ sung thêm nguồn nên đã tự động nâng giá lên cao.
Ngoài ra, hầu hết các tiểu thương bán hàng qua điện thoại nên giá tăng do điều chỉnh giá xăng, điều chỉnh phương thức giao hàng từ xe lớn chuyển sang xe nhỏ, khó khăn trong vận chuyển, các địa phương tăng cường kiểm soát dịch làm gia tăng chi phí xét nghiệm, chi phí thời gian… dẫn đến chi phí trên một sản phẩm tăng lên.
Trong ngày đầu tiên giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường, hàng quán đóng cửa, sức mua tại hệ thống chợ giảm 50-70% so với ngày 8/7. Trước thông tin TP thực hiện giãn cách, người dân đã tăng cường mua sắm, dự trữ hàng hóa nhiều nên lượng khách đến chợ giảm mạnh.
Tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, lượng khách đến mua sắm vắng hơn, đảm bảo tuân thủ quy định 5K, hàng hóa được đưa lên kệ dồi dào, đầy đủ. Giá cả các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt cá ổn định, không tăng so với bình thường, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu người dân.
Các đơn vị cho biết vẫn sẽ đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho khách và các đơn vị cũng đẩy mạnh việc hướng dẫn người dân thực hiện mua hàng online hoặc thực hiện giải pháp đi siêu thị thay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.