Tất cả sở/ngành, quận/huyện phải tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung đã cho biết như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về kế hoạch thi tuyển lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại TP.HCM.
Việc thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo sẽ thu hút những người thật sự có năng lực, xóa tư duy “xếp hàng, đến lượt”, “sống lâu lên lão làng”…
Sẽ hết chuyện “sống lâu lên lão làng”
Những chức danh nào phải qua thi tuyển và TP.HCM đặt mục tiêu gì qua việc này, thưa ông?
Ông Lê Hoài Trung: Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo UBND TP.HCM phê duyệt theo Quyết định 447/QĐ-UBND áp dụng đối với hai chức danh: Cấp trưởng và cấp phó trưởng phòng các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc đổi mới phương thức tuyển chọn và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị TP. Thi tuyển sẽ tạo điều kiện, động lực để cán bộ, công chức phấn đấu, rèn luyện và có cơ hội tham gia công tác lãnh đạo, quản lý; thu hút những người thật sự có năng lực, đạo đức tốt cả trong và ngoài đơn vị, xóa tư duy “xếp hàng, đến lượt”, “sống lâu lên lão làng”… tạo tính năng động trong công tác cán bộ.
Tiến độ thực hiện kế hoạch thi tuyển lãnh đạo trên địa bàn TP hiện đến đâu, thưa ông?
Hiện Sở Nội vụ đã thẩm định và nhất trí với kế hoạch thi tuyển của 17 đơn vị (Sở Du lịch, Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT, Sở Tư pháp, quận 1, 2, Bình Tân, Trung tâm Điều hành chống ngập, Viện Nghiên cứu phát triển, Ban Quản lý Đường sắt đô thị…). Trong đó Sở Tư pháp, Sở NN&PTNT, quận Bình Tân sẽ thi tuyển ngay trong quý II. Hiện Sở Tư pháp vừa kết thúc nhận hồ sơ dự tuyển và sẽ là đơn vị tổ chức thi tuyển lãnh đạo đầu tiên tại TP.
Bổ nhiệm phải qua thi tuyển
Vì sao vẫn còn khá nhiều nơi chưa công bố kế hoạch thi tuyển lãnh đạo? Có quá chậm không, thưa ông? Có thông tin Sở VH&TT đề nghị không thi tuyển năm nay?
Có chậm. Theo Quyết định 447 trên đây, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch thi tuyển xong trước cuối tháng 9-2014 và được phê duyệt trong năm này để tổ chức thi tuyển ngay trong quý I-2015. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất mới nên một số đơn vị lúng túng. Đầu quý II này đơn vị nào vẫn chưa xây dựng kế hoạch thi tuyển lãnh đạo thì Sở Nội vụ sẽ có thông báo nhắc nhở.
Trước đây, theo Quyết định 447 thì việc thi tuyển lãnh đạo là thí điểm nên cũng có nơi này, nơi khác có ý kiến đề nghị được bổ nhiệm như cũ do đang củng cố, luân chuyển cán bộ. Sở VH&TT cũng có trình bày khó khăn do mới tách sở. Nhưng theo Kế hoạch 166/KH-UBND ngày 15-1-2015 của UBND TP về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ công chức thì tất cả sở/ngành, quận/huyện phải tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Bổ nhiệm không qua thi tuyển sẽ không được công nhận. Không còn thí điểm nữa mà đã có quy định “cứng” như thế thì không thể lách, né được.
Công tác luân chuyển cán bộ đòi hỏi bổ nhiệm lại khá nhiều, họ có phải thi tuyển không?
Bổ nhiệm mới (lần đầu) đối với chức danh lãnh đạo trưởng, phó cấp phòng chắc chắn phải thi. Còn bổ nhiệm do luân chuyển lãnh đạo từ phòng này sang phòng khác có vị trí tương đương (trưởng phòng này sang trưởng phòng khác, phó phòng này sang phó phòng khác) thì không cần thi tuyển. Nhưng nếu luân chuyển có tăng cấp vị trí cao hơn (phó phòng này lên làm trưởng phòng kia) thì xem như bổ nhiệm mới, phải qua thi tuyển.
Trong tuần này, Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ sẽ họp bàn xác định những vị trí tương đương khi luân chuyển lãnh đạo để trình UBND TP phê chuẩn.
Công khai, minh bạch và cạnh tranh
Bổ nhiệm lãnh đạo thông qua thi tuyển cạnh tranh nhằm thu hút nhân tài có năng lực, đạo đức tốt từ bên ngoài đơn vị. Vậy việc bổ nhiệm liệu có gặp khó khăn gì ở cấp ủy không?
Người dẫn đầu kỳ thi chắc chắn trúng tuyển và được bổ nhiệm. Cũng có những e ngại xảy ra tình huống cấp ủy không thống nhất với kết quả thi tuyển và sẽ lấn cấn trong việc bổ nhiệm người từ địa phương khác về. Nhưng Thành ủy và UBND TP đã quán triệt chấp hành rồi; các cấp ủy đã có tham gia sàng lọc dự tuyển và có đại diện nằm trong hội đồng tuyển chọn nên cũng sẽ thống nhất với kết quả thi.
Quy định đối tượng dự tuyển phải trong quy hoạch và được lãnh đạo đứng đầu nơi công tác giới thiệu dự tuyển có làm thu hẹp nguồn nhân lực giỏi để bổ nhiệm không, thưa ông?
Quyết định 447 quy định tuyển chọn lãnh đạo thông qua thi tuyển phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, minh bạch và có cạnh tranh. Đồng thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo và thống nhất của cấp ủy Đảng cơ quan tổ chức tuyển chọn.
Đối tượng trong quy hoạch là những người đã từng được tập thể và lãnh đạo nơi công tác sàng lọc, đánh giá có năng lực giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, đó là nguồn nhân sự quan trọng đã qua thẩm định bước đầu.
Xin cám ơn ông!
Ứng viên phải nằm trong diện quy hoạch
Theo Quyết định 447/QĐ-UBND, đối tượng đăng ký dự tuyển: Thứ nhất là công chức, viên chức do cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý giới thiệu người trong quy hoạch của cơ quan, đơn vị mình tham gia dự tuyển. Thứ hai là công chức, viên chức thuộc các cơ quan khác của TP có trình độ chuyên môn phù hợp với chức danh tuyển chọn, có quy hoạch chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn; tự nguyện đăng ký dự tuyển và được cấp ủy, cơ quan, đơn vị nơi đang công tác nhận xét, đánh giá có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia dự tuyển và được người đứng đầu cơ quan giới thiệu dự tuyển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.